UBND TP Hải Phòng vừa qua đã phá dỡ 18 chung cư đặc biệt xuống cấp để xây dựng mới 7 chung cư, cung cấp gần 2.700 căn hộ tái định cư cho người dân. Trong đó, chung cư D2 được đầu tư 161 tỷ đồng để xây mới; chung cư N1-N2 Lê Lợi được đầu tư 141 tỷ đồng gồm 32 tỷ ngân sách và đầu tư BT ký kết giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư; chung cư U19 Lam Sơn được đầu tư 36,5 tỷ đồng; chung cư HH3-HH4 Đổng Quốc Bình là hơn 1.600 tỷ đồng.
Người dân sống tại các chung cư này do được công ty nhà nước cấp nhà, hoặc mua lại từ người khác. Tuy nhiên, do chưa thanh lý nên chung cư vẫn thuộc sở hữu nhà nước và người dân vẫn phải đóng tiền thuê hàng tháng.
Để từng bước thu hồi vốn đầu tư xây mới, cải tạo chung cư, ngày 4/11, TP Hải Phòng ban hành bảng giá thuê nhà mới, có hiệu lực từ 1/12. Theo đó, giá thuê tính theo mỗi m2 một tháng ở chung cư N1-N2 Lê Lợi là 94.674 đồng; chung cư U19 Lam Sơn 51.480 đồng; chung cư Đ2 Đổng Quốc Bình 70.611 đồng và khu HH3-HH4 Đổng Quốc Bình là 65.128 đồng. Giá thuê đã bao gồm chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, bảo trì và thuế giá trị gia tăng.
Giá thuê nhà tại các chung cư nói trên đã tăng từ 7 đến 9 lần so với trước đó. "Tôi bị sốc, không ngủ được ba ngày nay", ông Nguyễn Văn Thắng, 65 tuổi, ở nhà 312 chung cư N1 Lê Lợi nói.
Gia đình ông Thắng đã ở tại khu chung cư U3 Lê Lợi hàng chục năm. Năm 2017, các chung cư U1, U2, U3 xuống cấp được TP Hải Phòng xây lại thành chung cư N1 và N2. Gia đình ông được bố trí căn hộ rộng 40 m2 tại tầng 3 và hai năm qua vẫn thuê với giá 9.762 đồng mỗi m2 một tháng, tức gần 400.000 đồng. Tuy nhiên, với mức giá mới, ông Thắng phải đóng hơn 3,9 triệu đồng tiền nhà mỗi tháng.
"Vợ chồng chúng tôi không có lương hưu, lao động tự do kiếm được hơn 4 triệu mỗi tháng và còn nuôi thêm mẹ già, giờ không biết lấy đâu ra trả tiền thuê nhà", ông Thắng nói.
Cũng ở khu N1, bà Hồ Thị Hiền thấy "suy sụp tinh thần" sau khi nhận quyết định tăng giá nhà. Căn hộ tầng 6 chung cư N1 rộng 41,6 m2 mà bà đang ở là của người anh rể, được công ty cấp cho từ năm 1985. Đến năm 2012, bà mua lại với giá 300 triệu đồng, mỗi tháng phải đóng thêm 370.700 đồng tiền thuê nhà.
"Do hoàn cảnh khó khăn nên tôi mới phải mua lại nhà tập thể chưa được Nhà nước thanh lý. Hơn nữa, từ trước đến nay giá Nhà nước cho thuê rẻ nên dân nghèo như tôi có thể chịu được. Còn với mức giá mới hơn 3,9 triệu đồng mỗi tháng là quá khả năng của tôi", bà Hiền nói.
Tương tự như chung cư N1-N2 Lê Lợi, những hộ dân đang sống ở chung cư D2 cũng đứng ngồi không yên sau khi nhận quyết định thuê nhà. Năm 2006, khi chung cư D2 xuống cấp đã được thành phố xây lại chung cư mới 11 tầng. Đến tháng 7/2017, khu D2 mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng, người dân quay lại ở với giá thuê 10.037 đồng mỗi m2 một tháng. Theo quyết định mới của UBND TP Hải Phòng, giá thuê chung cư này sẽ tăng 7 lần.
Bà Trần Thị Xuyến, 81 tuổi, cho biết chồng bị mù, vợ chồng sống bằng 5 triệu đồng tiền lương hưu. "Giờ đóng tiền thuê nhà với mức cao như thế, chúng tôi sống thế nào? Tôi mong thành phố xem xét lại", bà nói, cho biết chung cư D2 có 180 hộ, phần lớn là người cao tuổi và lao động có thu nhập thấp, không đủ khả năng chuyển chỗ ở.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng, cho biết giá thuê nhà theo quyết định mới là giá thu đủ theo quy định pháp luật, áp dụng với những chung cư được xây mới, cải tạo lại. Tuy nhiên, UBND TP Hải Phòng đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân.
"Chúng tôi sẽ xây dựng bảng giá mới không thấp như giá cũ, nhưng ở mức người dân có thể chi trả được. Đây là chính sách đặc thù để gỡ khó cho người dân, thể hiện trách nhiệm an sinh xã hội của chính quyền TP Hải Phòng", ông Hưng nói, cho biết sau khi Sở Xây dựng làm xong phương án hỗ trợ giá thuê nhà, UBND TP Hải Phòng sẽ thẩm định và trình HĐND TP Hải Phòng thông qua, dự kiến vào đầu năm 2023.
TP Hải Phòng hiện có 205 chung cư cũ với hơn 8.000 căn hộ, trong đó 27 chung cư cần cải tạo, sửa chữa; 178 chung cư xuống cấp nghiêm trọng phải phá dỡ, di chuyển 7.000 hộ dân để xây lại 18 tòa nhà chung cư mới với gần 7.500 căn hộ.
Lê Tân