Trong lịch sử, nạn đói thường là sự kết hợp của nhiều yếu tố như côn trùng gây hại, thảm họa tự nhiên, xung đột sắc tộc và tham nhũng chính trị. Nhưng Liên Hợp Quốc (UN) và các tổ chức nhân đạo khác nhận định đây là nạn đói đầu tiên bắt nguồn từ ảnh hưởng của khí nhà kính.
Thảm họa tác động rõ rệt nhất tới vùng Grand Sud ở phía nam đảo Madagascar, nơi 1,14 triệu người đang rơi vào tình trạng bất ổn lương thực. Theo Liên Hợp Quốc, số người sống trong điều kiện tồi tệ cấp 5, cấp có nguy cơ trầm trọng nhất, có thể lên tới 28.000 vào tháng 10/2021. Trong khi đó, 110.000 trẻ em có thể bị suy dinh dưỡng. Hiện nay, Madagascar không gặp bất kỳ biến động nào thường gắn liền với nạn đói, khiến nhà chức trách quy nguyên nhân dẫn tới tình trạng này cho hiện tượng biến đổi khí hậu. "Nạn đói không phải do chiến tranh hay xung đột", David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của UN khẳng định.
Tương tự, Issa Sanogo, điều phối viên của UN ở Madagascar, nhấn mạnh đây là hệ quả thực sự của biến đổi khí hậu và người dân địa phương không đáng phải hứng chịu thảm cảnh. Madagascar đóng góp chưa đến 0,01% lượng khí nhà kính toàn cầu.
Trước đây, người dân sống ở phía nam quốc đảo phụ thuộc vào mưa gió mùa để gieo trồng, nhưng thay đổi trong mô hình thời tiết khiến lượng mưa ngày càng biến động. Ảnh hưởng tích lũy sau nhiều năm khô hạn liên tiếp dẫn tới mùa màng thất thu trên diện rộng, đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh đói ăn. Giờ đây, các gia đình sống nhờ vào quả xương rồng lê gai, lá cây dại và châu chấu suốt nhiều tháng", Beasley cho biết.
Theo phát ngôn viên Shelley Thakral của WFP, số lượng trẻ em phải nhập viện để điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại Grand Sud từ tháng 1 tới tháng 3 năm nay đã tăng gấp 4 lần mức trung bình trong 5 năm, theo số liệu mới nhất của chính phủ. Người dân phải chờ gần hai tháng nữa mới tới vụ gieo trồng tiếp theo và dự đoán về sản xuất lương thực rất ảm đạm. Đất đai bị cát bao phủ, không có nước và mưa rất ít.
An Khang (Theo IFL Science)