Khoảng 2.750 tấn phân bón amoni nitrat lưu trữ nhiều năm tại một nhà kho gần bến cảng ở thủ đô Beirut nổ tung, tạo ra quả cầu lửa khổng lồ trên bầu trời và luồng sóng xung kích dữ dội lan ra xung quanh, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó.
"Rung lắc cực kỳ dữ dội, tôi chưa bao giờ sợ như thế", Fakik, một nhà làm phim, kể lại giây phút chứng kiến vụ nổ. Các tòa nhà cách 10 km cũng bị hư hại, mảnh thủy tinh văng đầy đường trong vụ nổ.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, vụ nổ tạo ra chấn động tương đương động đất 3,3 độ. Ít nhất 78 người chết và hơn 4.000 người bị thương, Bộ trưởng Y tế Lebanon hôm qua cho hay, kêu gọi người dân đi hiến máu.
Xe cứu thương hú còi inh ỏi, vội vã đi cấp cứu, trong khi nhiều nạn nhân dò dẫm trèo ra khỏi căn nhà nay chỉ còn là đống đổ nát. Vụ nổ tại cảng tạo thành một đám mây hình nấm và từ vùng ngoại ô xa nhất cũng nghe thấy tiếng.
Đám mây đỏ khổng lồ treo lơ lửng trên bầu trời trong lúc dân thành phố khoảng 4 triệu người này bắt đầu đánh giá thiệt hại gây ra cho nhà cửa, tìm cách chữa trị vết thương và liên tục gọi điện cho người thân để hỏi xem họ có an toàn không.
"Cảng Beirut bị phá hủy hoàn toàn", nhân chứng Bachar Ghattas nói, mô tả cảnh tượng giống "ngày tận thế". "Những gì đang xảy ra cực kỳ đáng sợ, mọi người đang vô cùng sợ hãi. Các dịch vụ cấp cứu đang quá tải".
Cảnh tượng đau lòng xảy ra sau gần một năm đầy biến động về kinh tế và chính trị khiến Lebanon rơi vào tình trạng bất ổn và theo nhiều chuyên gia, đã đẩy đất nước đến bờ vực sụp đổ.
Tỷ lệ nghèo đói tăng hơn 50%, cảnh người dân nhặt rác tìm nhu yếu phẩm đã trở nên quen thuộc.
"Tôi chưa từng thấy Beirut như thế này. Beirut hôm nay giống như cõi lòng của chúng tôi", nhà hoạt động Maya Ammar nói. "Chúng tôi chẳng còn gì nữa. Khi chúng tôi nghĩ rằng sẽ chẳng thể tệ hơn được nữa, thì hóa ra lại có".
"Gia đình và những người thân yêu bảo tôi về quê vì họ không muốn tôi ở lại hít khí độc, nhưng tôi không thể. Bạn bè tôi ở đây đã mất đi nhà cửa. Tôi phải ở lại giúp đỡ họ", cô nói.
Hồng Hạnh (Theo CNN)