Chủ nhật, 26/1/2025
Thứ bảy, 10/8/2019, 00:00 (GMT+7)

Người dân Lạng Sơn 'thuần hoá' rau rừng thành đặc sản

Vốn là cây dại trong rừng, bò khai được người dân biến thành loại rau vườn cho hiệu quả kinh tế cao.

Bò khai là một loại rau rừng mọc ở nhiều vùng núi phía Bắc. Gần đây, loại rau này trở nên khan hiếm do nhu cầu tiêu thụ cao. Người dân huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã tìm cách trồng cây rau bò khai ở vùng núi đá. 

Khi lấy giống rau bò khai ở rừng về, người dân chặt thành đốt, lấy mắt ươm cho lên mầm rồi đưa đi trồng. Thời gian trồng thường vào tháng 11 đến tháng 12 khi thời tiết ẩm ướt. Trong quá trình chăm sóc chỉ cần bón phân vi sinh một lần để thúc cây thích nghi với đất.

"Rau bò khai chỉ khai thác phần ngọn để ăn và bán ra thị trường", chị Vi Thị Thuyên ở thôn Thống Nhất (xã Thượng Cường) nói.

Toàn huyện Chi Lăng có hơn 40 ha rau bò khai, trong đó xã Thượng Cường có hơn 19 ha. Bò khai được người dân trồng xen lẫn với các loại cây khác như ngô, na, bí...

Vào đúng mùa, mỗi bông hoa bò khai sẽ cho ra một hạt. Hai năm gần đây, khi những cây rau cổ thụ trong rừng ít đi thì hạt của cây được thu gom và ươm mầm. Tuy nhiên, cây trồng bằng hạt phải 7 năm mới cho thu hoạch.

Rau bò khai ở vùng đất Chi Lăng (Lạng Sơn) dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Với cây trồng bằng thân hoặc cành, chỉ một năm đã có thể thu hái. Từ năm thứ 3 trở đi sẽ cho sản lượng lớn và ổn định hơn. Những ngọn rau lớn nhanh trong tự nhiên, thông thường sau khi hái từ 3-5 ngày là đã có thể thu hoạch tiếp.

"Gia đình tôi trồng 1.200 gốc bò khai 3 năm tuổi, cho thu nhập hơn 6 triệu đồng mỗi tháng, gấp 10 lần so với trồng ngô", ông Vi Văn Giang nói.

Rau bò khai cho thu hoạch quanh năm, giá khoảng 80.000 đồng mỗi kg. Thương lái thường đến từng gia đình để mua gom rồi phân phối cho các điểm bán lẻ.

Ngọc Thành