Sáng 19/12, đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri chuyên đề liên quan đến việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã cấp đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh ghi sai thời hạn sử dụng đất.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2013, chính quyền Đà Nẵng có một số sai phạm liên quan đến đất đai (giai đoạn từ 2003 đến 2011), gây thiệt hại lên đến hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó có sai phạm do giảm 10% thu tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất, kinh doanh không quá 50 năm thành đất ở lâu dài cho các nhà đầu tư.
UBND TP Đà Nẵng được yêu cầu thu hồi, hủy bỏ hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai. Tuy nhiên 4 năm qua việc khắc phục sai phạm gặp khó khăn. Mỗi lô đất có diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông, nằm ở các tuyến đường lớn. Nhiều lô đất đã mua đi bán lại qua nhiều đời chủ nên việc thuyết phục doanh nghiệp đồng ý đổi từ đất ở sang đất có thời hạn rất khó.
Tại các kỳ họp HĐND thành phố, vấn đề này cũng được đưa ra chất vấn. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết chính việc chậm khắc phục những sai phạm này mà cá nhân ông đã bị kỷ luật. Hiện tại 50 trường hợp người dân và doanh nghiệp đã đồng ý đổi từ đất lâu dài sang 50 năm, thu hồi gần 500 tỷ đồng.
Trong buổi tiếp xúc sáng nay, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc trước việc phải chuyển đổi những thửa đất ghi “đất ở” trong sổ đỏ sang đất “thuê 50 năm” khi thực hiện các giao dịch mua bán, thậm chí là xin cấp giấy phép xây dựng.
Bà Huỳnh Thị Tuyết (trú quận Sơn Trà) cho biết, lô đất gia đình mua tại đường Hoàng Sa ven biển đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước. Nhưng khi bán cho người khác thì không được, vì chính quyền yêu cầu bà phải chuyển đổi sang đất có thời hạn 50 năm.
Khách mua đã đặt cọc tiền, nay không chịu mua đất có thời hạn. “Gia đình tôi đang phải vay nóng để cho người mua vì mình vi phạm hợp đồng. Số tiền phải trả gấp nhiều lần tiền cọc, lên đến hàng tỷ đồng mà đất bây giờ cũng không thể thế chấp ngân hàng được”, bà Tuyết nói.
Nhiều cử tri cho rằng, việc khắc phục sai phạm không chỉ ảnh hưởng đến những người có đất trong diện phải chuyển đổi sang đất thuê 50 năm, mà sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư thành phố. Những người đã mua đất không chỉ có người dân thành phố mà có nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...
Bà Lê Thị Nam Phương, Hội nữ doanh nhân TP Đà Nẵng, cho rằng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cần tập hợp giải pháp để tham mưu cho Quốc hội có văn bản đề nghị Chính phủ xem lại, sao cho việc xử lý “đúng pháp luật nhưng phải hợp lòng dân”.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho biết lâu nay người dân thành phố bàn về câu chuyện “chính quyền cho dân được giảm 10% tiền sử dụng đất là có lợi hay không”. Rõ ràng tất cả nhân dân đều khẳng định là có lợi. Nhưng nguyên tắc của các cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ thì lại tính thiệt hại trực tiếp, chứ không tính gián tiếp.
“Đây là nỗi khổ mà chúng ta phải gánh lâu nay. Nợ 10% trong vòng 10 năm thì không tính. Còn chính quyền thành phố cho dân được 10% để thu được tiền ngay, lấy ngân sách đầu tư trực tiếp cho sự phát triển của thành phố lúc đó thì Thanh tra Chính phủ không tính. Mà tính 10% là nhân lên và mất đi bao nhiêu thôi. Câu chuyện chúng ta bàn hôm nay là ở chỗ đó”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng khẳng định chính quyền hiện nay không trốn tránh trách nhiệm xử lý những sai phạm này. Ông đề nghị người dân gửi hồ sơ liên quan đến đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, để có cơ sở cho đoàn đi thẩm tra.
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng kết luận, việc chính quyền Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho tổ chức cá nhân với mục đích sản xuất kinh doanh và ghi là thời gian sử dụng đất lâu năm là trái pháp luật. Nhưng những người được cấp và đã chuyển nhượng cũng cần được pháp luật bảo vệ. Đoàn sẽ kiến nghị tới Quốc hội, để có ý kiến tới Chính phủ với mong muốn có cách giải quyết hợp lý.