Sáng sớm, anh Đào Xuân Minh (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) chạy xe máy chở vợ vào rừng keo tràm cách nhà 5 km để tìm nấm.
Anh Minh cho biết, sau những ngày tiết trời nắng nóng oi bức chỉ cần một trận mưa giông thì nấm tràm sẽ mọc, ẩn trong lớp lá khô và những bụi lau lách.
Sau hơn một giờ luồn lách trong những bụi cây cỏ tranh, chịu đựng muỗi đốt nhiều chỗ sưng tấy trên cánh tay, anh Minh và vợ nhặt được một giỏ đầy nấm tràm.
"Trước đây ở Huế không có nấm tràm, nấm tràm chỉ xuất hiện vài năm gần đây khi rừng keo tràm phát triển. Cây tràm có tinh dầu, khi lá cây rụng xuống sẽ ủ lớp đất và chỉ cần nắng nóng kéo dài rồi có mưa giông là nấm tràm sẽ mọc. Ở Huế, vào tháng 6 và tháng 9 âm lịch là thời điểm nấm tràm mọc nhiều nhất", anh Minh nói.
Cũng như gia đình anh Minh, nhiều người dân ở các xã vùng gò đồi ở Thừa Thiên Huế cũng đổ xô vào rừng keo tìm kiếm nấm tràm. Những ngày gần đây, khu rừng keo ở xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) "đông như đi hội", chỗ nào cũng thấy dáng người mang giỏ, túi ni lông đi tìm nấm tràm.
Bà Lê Thị Ánh (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà) cho biết, mỗi ngày bà vào rừng hai lần vào sáng và chiều để tìm nấm tràm. "Mỗi buổi nếu may mắn có thể nhặt được hơn 10 kg nấm, bán cho thương lái với giá 10.000 đồng mỗi kg", bà Ánh nói.
Theo bà Ánh, nấm tràm có hình dáng như chiếc ô, khi mới mọc phần đầu có màu tím nhạt. So với loài nấm khác, nấm tràm có vị đắng; nấm mới mọc ăn ngon hơn nấm đã mọc lâu nên mỗi ngày, người dân địa phương kéo nhau vào rừng keo tràm tìm nấm từ sáng sớm.
Nấm tràm hiện là món khoái khẩu của nhiều người dân Huế, ngoài bán cho thương lái, họ cũng đi nhặt nấm để làm thức ăn. Nấm hái về sẽ được người dân gọt phần đuôi, luộc qua nước sôi để bớt vị đắng, sau đó có thể dùng chế biến rất nhiều món ăn như xào với tôm hoặc nấu cháo với hải sản.
Võ Thạnh