Thứ sáu, 25/10/2024
Thứ bảy, 14/11/2020, 17:23 (GMT+7)

Người dân hối hả gia cố nhà cửa trước bão Vamco

Trước giờ bão đổ vào miền Trung, nhiều gia đình hối hả chằng chống lại nhà cửa, mua thức ăn dự trữ; những người ở vùng nguy hiểm được đưa đi sơ tán.

Tại Hà Tĩnh, nhiều người dân vừa lo sửa sang lại nhà cửa sau những trận lũ, lốc xoáy hồi tháng 10, vừa hối hả thu dọn tài sản tránh bão Vamco - cơn bão được dự báo đổ độ vào đất liền đêm nay.

Ông Lê Văn Đoàn, 51 tuổi, là một trong những gia đình bị thiệt hại nặng nhất thôn 1 Song Giang (xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bởi trận lốc xoáy hôm 29/10. Căn nhà cấp bốn xây 10 năm trước tốc mái hoàn toàn, tivi, tủ lạnh bị vật liệu đổ trúng hư hỏng, công trình phụ đổ sập. Trong ngày 14/11, ông Đoàn thuê thợ nề về gia cố nhà cửa để chống bão. "Tôi vay mượn hơn 30 triệu đồng để sửa lại nhà cửa sau trận lốc xoáy. Rất mong cơn bão sắp tới không gây thiệt hại, nếu không gia đình không biết xoay xở đâu ra để khắc phục", ông Đoàn nói.

Tại Quảng Trị, trưa nay người dân vùng ven biển huyện Gio Linh và Triệu Phong (Quảng Trị) hối hả giằng néo mái nhà, di dời người dân ở vùng xung yếu đến nơi an toàn. Khu vực này được dự báo bị ảnh hưởng trực tiếp khi bão Vamco đổ bộ. Trời về chiều đổ mưa và có gió mạnh.

Biên phòng và công an xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong) tháo dỡ phần mái sân nhà của hộ bà Hà Thị Bảo Thi xuống đảm bảo an toàn. Toàn bộ thành viên trong nhà đi tránh bão từ sáng sớm.

Từ chiều hôm qua đến sáng nay, chính quyền xã Triệu An phối hợp với biên phòng, cảnh sát biển di dời hàng trăm người dân tại vùng xung yếu, nhà tạm bợ, đến trường học, trạm y tế để tránh trú. Chính quyền chuẩn bị nhu yếu phẩm, thuốc men, nước uống cho bà con tại các khu vực sơ tán tập trung.

Trong trường hợp bão trực tiếp đổ bộ, tỉnh Quảng Trị sẽ di dời gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tỉnh cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở các xã miền núi.

Tại Thừa Thiên Huế sáng nay trời mưa lớn, gió nhẹ. Thực hiện lệnh di tản người dân trước 9h, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) đã tổ chức sơ tán người dân vùng xung yếu đến niệm phật đường xã. Người dân được bố trí ở khu nhà kiên cố, lực lượng nấu ăn phục vụ.

Ông Nguyễn Văn Dân, Phó bí thư xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết, địa phương đã di dời 153 hộ dân ở khu vực xung yếu vào nơi an toàn. Tàu thuyền của ngư dân cũng được neo đậu ở khu vực các âu thuyền để trú tránh bão.

Trước khi bão Vamco đổ bộ, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã triển khai lực lượng chằng chống, gia cố quần thể di tích bằng các cọc sắt. Trước đó, cơn bão số 5 đã làm hư hại một phần mái ngói điện Thái Hòa.

Công nhân gia cố hệ thống lưới điện ở thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang. Ông Nguyễn Đại Phúc, Phó giám đốc Công ty điện lực Thừa Thiên Huế, cho biết đơn vị rà soát, triển khai gia cố toàn bộ hệ thống lưới điện trước bão Vamco.

Để đảm bảo an toàn, Thừa Thiên Huế đã cho học sinh nghỉ học, người dân không ra đường sau 12h ngày 14/11. Toàn tỉnh đến nay đã di dời gần 16.000 hộ dân ở vùng xung yếu.

Tại Đà Nẵng, nhiều người dân đã đổ ra các chợ, siêu thị mua thức ăn về dự trữ. "Chính quyền đã khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà từ trưa nay, nên chúng tôi mua thêm thức ăn", bà Hoa, trú phường Tân Chính (quận Thanh Khê) nói.

Đề phòng bão đổ bộ sẽ bị mất điện, người dân không mua quá nhiều thịt cá. Nhiều người chọn các thực phẩm như trứng, mì tôm. "Tôi mua thêm một chiếc bếp ga mini, phòng khi mất điện vẫn có đồ nấu nướng", chị Lan (32 tuổi, trú đường Hoàng Hoa Thám), nói.

Nhà cửa cũng được người dân chằng chống kỹ bằng việc gia cố bằng dây cáp, dùng túi nylon bơm nước hoặc xúc cát vào bao tải chận lên mái tôn, dán băng keo kín các cửa kính đề phòng nếu gió giật quá mạnh sẽ không văng các mảnh kính vỡ vào người,...

Trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu), một cửa hàng kinh doanh xe ôtô thuê 3 xe bồn cỡ lớn về chắn hết phần mặt tiền nhằm cản bớt gió bão. Cách phòng chống bão bằng việc dùng xe contianer, xe bồn... cũng được một số khách sạn, cửa hàng lớn áp dụng.

Nhiều cây ATM trên đường phố cũng đã được chằng chống kỹ lưỡng, đề phòng gió giật. Nhiều người dân đã nhắc nhau đi rút tiền trước khi các cây ATM bị đóng kín.

Trong hôm nay, Đà Nẵng đã cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học. Lực lượng chức năng cũng cấm người lưu thông qua các cây cầu bắc qua sông Hàn và tầng 3 cầu vượt Ngã Ba Huế. Tàu thuyền đã vào âu thuyền tránh bão.

Tại Quảng Nam, một cụ già ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) nằm trên được giường được dân quân, bộ đội biên phòng khiêng đến nơi sơ tán. "Toàn xã sơ tán 300 hộ dân đến trường trung học cơ sở và hai nhà tránh trú bão", ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó chủ tịch xã đảo Tam Hải nói và cho biết công việc hoàn tất trước 12h hôm nay.

Công nhân Công ty cổ phần Dịch vụ Công ích Đô thị Tam Kỳ dùng xe nâng và cưa máy cắt tỉa nhành, cánh trên đường Trần Đại Nghĩa.

Vamco là cơn bão thứ ba kể từ đầu tháng 11 đi vào Việt Nam. Trưa 14/11, tâm bão đang nằm phía nam quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), cách thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế khoảng 380 km, cách Quảng Trị 460 km về phía đông đông nam; sức gió tối đa 165 km/h, cấp 13 đến 14, giật cấp 17.

Chằng chống nhà trước bão Vamco
 
 

Video: Hoàng Táo - Thanh Huyền

Đức Hùng - Hoàng Táo - Võ Thạnh - Nguyễn Đông - Đắc Thành