Thứ năm, 25/4/2024
Chủ nhật, 28/3/2021, 00:00 (GMT+7)

Người dân đốn cây, bóc vỏ quế

Quảng NamĐể thu hoạch quế, người thợ dùng cưa hạ cây và bóc lớp vỏ khỏi thân. Việc này cho thu nhập 200.000 đồng mỗi ngày.

Tại Quảng Nam, cây quế được trồng ở huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn. Trong đó, riêng huyện Phước Sơn có diện tích 1.000 ha, tập trung tại các xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc.

Nhiều cây quế ở Phước Sơn gần 30 năm tuổi, cao 10 m, chu vi 60 cm. Khi thu hoạch, vỏ có giá trị cao nhất, còn thân cây dùng làm củi, lá phơi khô bán cho những người làm hương. Người Giẻ Triêng có tập tục trồng loại cây này trên núi và quanh vườn nhà.

Anh Vũ Văn Dũng, xã Phước Kim (huyện Phước Sơn) mua trọn gói vườn quế của người dân địa phương và thuê 20 người bóc lấy vỏ, đưa về nhà phơi khô.

Người thợ dùng cưa máy đốn hạ cây. Những cây quế to cần 3-4 người cùng hợp sức cưa và đỡ thân cây đổ đúng hướng.

Dụng cụ của những người thợ bóc vỏ quế là chiếc liềm nhỏ, để rạch từng đoạn khoảng 50 cm trên thây cây.

Người thợ dùng một thanh nhựa mềm để tách vỏ khỏi thân.

Quá trình bóc vỏ đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ để vỏ không bị nứt, gãy. "Làm việc cả ngày, thợ bóc vỏ quế được trả 200.000 đồng", anh Hồ Văn Thảo nói và cho biết mùa thu hoạch vỏ quế từ tháng 3 đến tháng 5 là kết thúc.

Một tấm vỏ quế được bóc. Cây quế được tính theo năm tuổi, cây càng lâu năm, vỏ dày thì tiền cao hơn.

Vỏ được người dân đem về phơi nắng khoảng 5 ngày. Trung bình cứ 3 kg quế tươi sẽ thu được một kg khô, có giá từ 65.000 đến 70.000 đồng.

Cành nhánh của cây cũng được tận dụng để tách vỏ. Vỏ này phơi khô bán với giá 50.000 mỗi kg.

Quế phơi khô được xay nhỏ sản xuất tinh dầu.

Cây quế có tên khoa học là Cinnamomum loureirii Nees, thuộc họ long não (Lauraceae). Từ xưa, quế được Đông y sử dụng như một loại thuốc quý chữa được nhiều loại bệnh như cảm lạnh, chướng bụng đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng kinh, tiếp thêm năng lượng, cải thiện tuần hoàn máu và hâm nóng cơ thể...

Đắc Thành