Thứ sáu, 15/11/2024
Thứ bảy, 9/9/2023, 15:18 (GMT+7)

Người dân đổ xô bắt cá khi đập thủy lợi cạn nước

Quảng NamĐập Ba Suối ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh được tháo cạn, hàng trăm người dân mang theo lưới, nơm, vó, vợt đến bắt cá.

Đập Ba Suối rộng gần 3 ha được xây dựng hơn 50 năm trước, cung cấp nước tưới cho 15 ha lúa xã Tam Dân. Hàng năm, khi lúa hè thu sắp thu hoạch, không cần nước tưới thì đập được mở cửa cho người dân bắt cá. Đây là truyền thống lâu đời của địa phương.

Đập mùa đầy nước nơi sâu nhất 4 m, quanh bờ được trồng sen, súng, cỏ mọc nhiều nên cá sinh sống nhiều.

Sáng sớm, nước trong đập nơi sâu nhất khoảng 1m, người dân bắt đầu mang theo lưới đến bắt cá.

Ông Nguyễn Văn Ba, người dân xã Tam Dân, cho biết sau khi bắt hết cá, cửa đập đóng lại, tận dụng mặt nước người dân trong làng đóng góp mỗi hộ 10.000-50.000 đồng mua cá chép, trắm... thả xuống.

Đầu vụ, người dân góp được hơn 2 triệu đồng mua 10 kg cá giống. Ngoài cá thả, đập có nhiều cá tự nhiên.

Người đàn ông này cầm theo nơm, túi đựng cá. Thấy dấu vết cá, ông sẽ chụp nơm xuống, sau đó dùng tay mò cá phía trong.

Ông Bùi Hồng Sơn mang bốn tấm lưới cước, mỗi tấm dài 50 m lội nước gần đến bụng thả. "Từ sáng đến trưa tôi bắt được gần 20 kg. Cá bắt về ăn, cho người thân, chứ không bán", ông nói.

Những người khác dùng lưới kéo đi theo nhóm từ 2 đến 10 người.

Lưới kéo được hai người nắm hai đầu, còn lại đi phía sau, cúi sát mặt nước gom chì nằm sát đáy.

Một mẻ lưới mất khoảng 20 phút, khi đến gần bờ phao lưới được ghép lại ngăn cá nhảy ra. Người dân dùng tay bắt cá mắc trong lưới.

Con cá chép hơn 1kg bị bắt cho vào vợt đựng tránh nhảy ra ngoài.

Ngày xả đập như ngày hội, dù bắt được cá nhiều hay ít, người tham gia đều vui.

Cá bắt được chủ yếu là trắm, trôi, chép, tràu, rô phi, giếc. Mỗi buổi người dân ít vài kg, người nhiều hàng chục kg, trong đó có một số con lớn 3 kg.

Đến trưa, những người tham gia kéo lưới đưa cá về và chia cho mọi người. Cá sống tự nhiên ở đập lớn nên ngon hơn cá nuôi.

Người dân tháo đập thủy lợi bắt cá
 
 

Đắc Thành