"Đoàn tàu ký ức" là một trong những hoạt động trong Lễ hội thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Ông Tuyến và cháu trai 6 tuổi đi từ 5h để kịp lên chuyến tàu đầu tiên lúc 8h.
Đã nhiều lần đi tàu nhưng ông cho rằng 20 phút đi qua cầu Long Biên ngắm hai bên sông Hồng rất đáng giá. Ngoài các toa khách thông thường, chuyến tàu đặc biệt này còn bố trí thêm hai toa có đặt sofa, ghế xốp và khu vui chơi cho trẻ nhỏ.
"Điểm ấn tượng nhất phải kể đến là không gian thiết kế bên trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Rất đáng để thử khi người lớn được từ hiện tại trở về miền ký ức, còn trẻ nhỏ có cơ hội tìm hiểu lịch sử", người đàn ông 50 tuổi nói. Ông cho biết đang lên kế hoạch để đầu tuần sau tiếp tục xuống Hà Nội tham quan bốt Hàng Đậu.

Ông Nguyễn Hoàng Tuyến cùng cháu trai 6 tuổi đi tàu từ ga Hà Nội đến ga Gia Lâm, Hà Nội tham quan Nhà máy xe lửa, sáng 18/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Muốn hai con trai 10 tuổi và 7 tuổi tăng trải nghiệm, được vận động vào cuối tuần, chị Võ Thị Quỳnh Trang, 43 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội cũng đăng ký đi chuyến tàu giống ông Tuyến.
Lần đầu được vào nhà máy xe lửa, chị Trang nói bất ngờ bởi không gian rộng, nhiều khu vực sản xuất được tận dụng thành không gian thiết kế độc đáo. "Rất thú vị khi ba mẹ con được hòa mình vào các không gian nhuốm màu thời gian", chị Trang nói.

Chị Trang cùng hai con trai chụp ảnh trước cổng vào của Nhà máy xe lửa Gia Lâm, sáng 18/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Nhiều năm theo dõi các sự kiện của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội nhưng Quế Chi, 22 tuổi, ở quận Hoàng Mai, nói đây là lần trải nghiệm ấn tượng nhất khi được chiêm ngưỡng tác phẩm thiết kế trong không gian của một địa điểm mang tính lịch sử.
"Bình thường tôi sẽ không sang Gia Lâm chơi bởi quá xa, nhưng chuyến tàu đặc biệt này đã giúp tôi có cơ hội được trải nghiệm và hiểu hiểu thêm quy trình tạo ra một đầu máy xe lửa", Chi nói. Tuy nhiên, một số khu trưng bày tác phẩm vẫn thiếu chú thích, khiến cô khó tiếp cận và phải nhờ nhân viên điều phối hỗ trợ.
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đang mở cửa cho người dân tham quan được thành lập năm 1905 với tổng diện tích 20 ha. Hiện các khuôn viên nhà máy như phân xưởng 3B1, 3B2, 5B, trạm điện 33B được biến đổi để trở thành không gian triển lãm với 16 phân khu kết hợp hiệu ứng thị giác độc đáo.
Một trong số các địa điểm thu hút nhiều người đến tham quan là khu vực "đầu máy xe lửa hơi nước" nằm tại khuôn viên vườn nhãn. Đây là chiếc đầu máy xe lửa mang số hiệu 141-179 (đầu máy Tự lực) là một trong ba đầu xe lửa hơi nước thuộc dòng Mikado được các kỹ sư Xí nghiệp đầu máy xe lửa Gia Lâm nghiên cứu thiết kế và sản xuất năm 1964.

Nhiều người đến chụp ảnh tại không gian trưng bày đầu máy xe lửa hơi nước nằm tại khuôn viên vườn nhãn của Nhà máy xe lửa Gia Lâm, sáng 18/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Sống tại Gia Lâm hơn 50 năm, chị Nguyễn Thị Thu Hoàn, 53 tuổi, kể ngày bé thường được bố mẹ dẫn vào nhà máy xe lửa tham quan, cảnh tượng xung quanh vốn rất quen thuộc. Khi biết sắp có lễ hội thiết kế sáng tạo sắp tổ chức, chị cùng 10 người bạn quyết định mặc áo dài, sau đến tham quan và ghi lại những bức hình đẹp.
"Trong khung cảnh đặc biệt như ngày hôm nay, tôi muốn mặc chiếc áo dài truyền thống của người Việt để sống lại những hồi ức đẹp cùng chiếc đầu máy xe lửa", người phụ nữ 53 tuổi nói.
Theo các nhân viên của ga Gia Lâm, trong khuôn khổ của sự kiện mỗi ngày sẽ có hai chuyến tàu chạy từ ga Hà Nội đến ga Gia Lâm lúc 8h và 13h20. Chiều về lúc 10h50 và 16h, kéo dài từ ngày 18/11 đến 26/11. Giá vé tàu cho một chiều trải nghiệm là 20.000 đồng.
Chuyến tàu đầu tiên vào 8h ngày 18/11 đã bán hết vé của cả 7 toa tàu, cả hai chiều.
"Khách mua vé ở mọi lứa tuổi, từ gia đình có trẻ nhỏ, người cao tuổi cho đến học sinh, sinh viên. Chắc chắn trong những ngày tới, số lượng khách đi tham quan sẽ còn tăng", một nhân viên soát vé cho biết.
Quỳnh Nguyễn