Từ mùng 8 Tết Quý Mão đến nay, dọc bờ biển dài hơn một km đoạn qua thôn Phú Hải, Phú Long và Phú Lợi, thuộc xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, nhiều loài hải sản bị sóng lớn đánh dạt vào bờ, vỏ trắng xóa cả một vùng. Hàng trăm người dân trong và ngoài xã mang theo rổ, vợt, lưới, bì tải ra biển nhặt.

Người dân dùng vợt vớt hải sản tại bờ biển xã Kỳ Phú. Ảnh: Hùng Lê
Bà Trần Thị Thanh, 52 tuổi, trú xã Kỳ Phú, xách rổ nhựa đi bộ quan sát, cứ vài chục giây lại cúi xuống nhặt những con sò lông, sò mai và ngao tím lẫn trong cát. Sau 20 phút, bà Thanh đưa rổ đựng hải sản ra vùng nước sâu khoảng 20-30 cm sàng lọc để cát và rác trôi đi.
"Sò lông, sò mai sống cách bờ biển khoảng 6-8 hải lý, thường xuất hiện nhiều vào dịp giữa năm. Có thể mấy hôm nay thời tiết xấu, biển động, thủy triều đổi dòng khiến các loài hải sản từ ngoài khơi dạt vào", bà Thanh nói.
Một số thanh niên, đàn ông trung niên dùng vợt lưới có cán dài gần một mét lội xuống mép biển, hoặc tiến sát lại gần ghềnh đá, nơi mực nước sâu 30-50 cm, khua vợt giữa những đợt sóng lớn, sau 10-15 phút thì kéo được một mẻ.

Ngoài sò lông, sò mai, ngao tím cũng dạt bờ với số lượng lớn. Ảnh: Hùng Lê
Hải sản dạt bờ chủ yếu là sò lông, đa phần đã chết, ruột bung ra, vỏ trắng xóa xếp dày 2-5 cm dọc bờ biển. Các loài như sò mai, ngao tím số lượng ít hơn, nhiều con còn sống, anh Nguyễn Văn Đạt, 36 tuổi, trú xã Kỳ Phú, cho hay.
Trung bình, mỗi ngày một người dân nhặt được 20-30 kg hải sản các loại, có gia đình đông nhân lực thu một tạ. Mỗi hộ thu 1-2 triệu đồng. Đây được xem là "lộc trời" đầu năm mới. Hầu như gia đình nào cũng huy động tất cả thành viên ra biển nhặt và đánh bắt gần bờ để kiếm thêm thu nhập.
Sò lông, ngao tím bán 10.000-30.000 đồng một kg tùy loại, sò mai 5.000 đồng một con. Ngoài bán cho thương lái tại bờ biển, nhiều người đưa về cất làm thực phẩm, hoặc sơ chế, lấy ruột đem ra các chợ bán lẻ. Các loại hải sản này có thể chế biển nhiều món như hấp, xào sả, nướng mỡ hành...

Các gia đình tập trung trên bờ biển phân loại hải sản. Ảnh: Hùng Lê
Ông Nguyễn Kiên Quyết, Chủ tịch xã Kỳ Phú, cho biết hiện tượng hải sản dạt vào bờ biển diễn ra 3 hôm nay, ước tính 2-3 tấn.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Anh, trước đây sau các đợt bão lũ hoặc mưa lớn thường ghi nhận sò lông, sò mai cùng một số loại khác dạt bờ biển, song số lượng ít, chỉ vài tạ. "Khoảng một tuần trước vùng biển Kỳ Anh biển động, mưa lớn. Có thể những loài trên di trú đi nơi khác sinh sống và bị sóng lớn đánh dạt vào bờ", vị này nói.