Sau mâm cúng tạ ơn thổ thần vào sáng qua 21/2, ông Nguyễn Phúc Liên Kiên (74 tuổi, phường Thuận Lộc) cùng con cháu tập trung tháo rời từng cấu kiện căn nhà cấp 4 ở Thượng Thành, nơi gia đình ông sinh sống hơn 30 năm qua.
Những tấm tôn, viên ngói từ mái nhà cấp 4 được ông xếp gọn gàng vào một chỗ để tái sử dụng cho ngôi nhà mới ở khu tái định cư.
"Căn nhà gắn với nhiều kỷ niệm, bây giờ tự tay tháo dỡ cũng buồn nhưng chính quyền đã tạo điều kiện di dời nên gia đình phải chấp hành", ông Kiên nói và cho hay, gia đình ông được hỗ trợ lô đất 100 m2 ở khu tái định cư Hương Sơ, cách nơi ở hiện tại khoảng 3 km.
Theo ông, trước mắt gia đình thuê nhà trọ để đồ đạc và sinh sống tạm thời trong lúc chờ hoàn thiện nhà mới ở khu tái định cư; tiền thuê trọ được chính quyền hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng trong thời gian 6 tháng.
Gia đình ông Kiên nằm trong số các hộ dân di dời đợt một của dự án giải phóng mặt bằng khu vực di tích kinh thành Huế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, theo kế hoạch đợt một sẽ có 523 hộ dân di dời, hoàn trả mặt bằng cho chính quyền trong tháng 3. Tuy nhiên, 60 hộ dân ở Thượng thành, Eo Bầu đã chủ động bàn giao mặt bằng sớm sau khi nhận tiền đền bù.
Để động viên những hộ dân bàn giao mặt bằng sớm, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế treo thưởng với ba mức là 10,5 triệu đồng, 6,5 triệu đồng và 4 triệu đồng.
Cũng như gia đình ông Kiên, nhiều hộ gia đình thuộc diện di dời đợt một ở tổ dân phố 14, phường Thuận Lộc đã nhờ người thân đến tháo dỡ nhà cửa. Mặt bằng được giải phóng đã bước đầu lộ ra tường thành gạch vồ, lô cốt của di tích. Nhiều công trình của triều Nguyễn được xây dựng ở Thượng Thành như kho chứa vũ khí, kho pháo cũng dần phát lộ.
Cách nhà ông Kiên khoảng 300 m, gia đình bà Tôn Nữ Thị Thêm (83 tuổi, phường Thuận Thành) đang tháo dỡ căn nhà trên di tích Eo Bầu. Gia đình bà Thêm đã sinh sống ở Eo Bầu hơn 50 năm trong căn nhà rộng hơn 100 m2, xây dựng khá kiên cố.
Theo chính sách đền bù, gia đình bà Thêm nhận lô đất 200 m2 ở khu tái định cư phường Hương Sơ, và được hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi tháng để thuê nhà ở trong lúc chờ hoàn thiện nhà mới.
Trong khi hàng xóm phá dỡ nhà cửa, bà Dương Thị Thủy (61 tuổi, phường Thuận Thành) thu dọn những vật dụng cuối cùng trong căn hầm chứa vũ khí của triều Nguyễn ở khu vực Eo Bầu. Căn hầm rộng hơn 20 m2 được làm bằng gạch vồ là nơi mà 7 thành viên trong gia đình bà sinh sống hơn 50 năm qua.
Theo bà Thủy, đầu tháng 3 mới đến hạn bàn giao mặt bằng song gia đình bà đã tự dọn nhà cửa, thuê trọ để bàn giao mặt bằng sớm cho chính quyền.
"Trước sau gì cũng sẽ chuyển đi, ở chỗ cũ chật chội khổ sở lâu nay rồi, nên tốt nhất là đi sớm để chính quyền thuận lợi mà mình cũng chủ động ổn định cuộc sống mới", bà Thuỷ nói.
Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong kinh thành Huế trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Theo Luật Di sản, đây là nơi cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân đã lên khu vực này sinh sống, xây dựng nhà cửa kiên cố.
Kế hoạch di dời các hộ dân trên của Thừa Thiên Huế chia thành ba giai đoạn, đầu tiên là 523 hộ dân ở Thượng Thành; năm 2020 giải tỏa khu vực Eo Bầu; năm 2021 di dời dân ở khu vực Hộ Thành Hào và tuyến phòng hộ.
Chính quyền thu hồi gần 78 ha đất ở phường Hương Sơ để bố trí 3.526 lô đất tái định cư cho người dân (bao gồm cả dự phòng), diện tích mỗi lô đất từ 60 m2 đến 200m2.
Võ Thạnh