Chiều 21/8, quận Hoàn Kiếm tổ chức hội nghị đối thoại với tổ chức và hộ dân nằm trong mốc giới thu hồi đất thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu.
Đền Bà Kiệu nằm ở số 59 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, được xây dựng vào thế kỷ 17, xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994. Trong khu vực bảo vệ I của đền có Công ty cổ phần Mỹ thuật và Vật phẩm văn hóa Hà Nội và 7 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh.
Từ năm 2021 đến nay, thành phố triển khai dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh đền bằng vốn ngân sách, thực hiện năm 2022-2024. Tháng 7/2024, quận Hoàn Kiếm phê duyệt giá đất làm cơ sở bồi thường để thực hiện dự án. Giá đất ở vị trí 1 phố Đinh Tiên Hoàng gần 420 triệu đồng/m2; vị trí 1 phố Hàng Dầu hơn 350 triệu đồng/m2; vị trí 1 phố Lò Sũ gần 280 triệu đồng/m2 và vị trí 4 phố Đinh Tiên Hoàng hơn 127 triệu đồng/m2.
Quận Hoàn Kiếm đã ban hành các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và ngày 14/8 ban hành quyết định cưỡng chế, thực hiện đến 30/9. Do các hộ dân và tổ chức chưa đồng thuận, chưa bàn giao mặt bằng nên Ban Cưỡng chế thu hồi đất quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi đối thoại để trả lời các kiến nghị, đồng thời vận động người dân chấp hành.
Trong hơn 2 giờ đối thoại, 5/7 hộ dân, tổ chức đã nêu ý kiến. Là một trong 3 hộ đại diện dòng họ thủ nhang đời thứ 11 đền Bà Kiệu, ông Bùi Anh Tuấn nói gia đình sẵn sàng di dời, nhưng là để tôn tạo phục hồi công trình phụ trợ chứ không phải để lát đá làm hè.
Ông Tuấn đã đi xem nhà tái định cư ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, nhưng thấy xuống cấp, thang máy trục trặc lại ở sát đường lớn ồn ào, bụi bẩn. Cho rằng đền do cụ tổ xây dựng trên đất vườn ao của gia đình rồi truyền qua các đời con cháu, ông Tuấn kiến nghị nhà nước có hình thức ghi lại công lao của các thế hệ đã xây dựng, gìn giữ ngôi đền.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai trình bày số liệu khác nhau về diện tích bồi thường cho gia đình, khi thì 16 m2, khi hơn 30 m2. Các hộ dân đã có đơn thư lên Trung ương và kiện UBND quận Hoàn Kiếm ra tòa yêu cầu hủy quyết định số 1867 ngày 27/9/2024 về việc thu hồi đất của một tổ chức và 7 cá nhân ở 59 Đinh Tiên Hoàng. Tòa đã thông báo thụ lý vụ án hành chính, Trung ương có văn bản đề nghị thành phố báo cáo nội dung liên quan đến đơn thư.
"Đề nghị quận trả lời trong thời gian tòa thụ lý, quận có tổ chức cưỡng chế không?", bà Mai đặt câu hỏi.
Đại diện Công ty cổ phần Mỹ thuật và Vật phẩm văn hóa Hà Nội cho biết sẵn sàng di dời, mong được thuê địa điểm khác để tiếp tục kinh doanh. Ba hộ dân bày tỏ đồng thuận với dự án, nhưng đề nghị mức hỗ trợ đền bù, tái định cư thỏa đáng và cho dân thêm thời gian tìm nơi ở mới, giải phóng hàng hóa đang kinh doanh.
Phản hồi bà Thanh Mai, ông Ngô Anh Toàn, Phó ban cưỡng chế quận Hoàn Kiếm, cho biết việc nhận và chuyển đơn là quy trình bình thường, không phải phát hiện sai phạm nên chuyển đơn. Tương tự khi người dân khởi kiện quyết định hành chính thì tòa thụ lý, thông báo của tòa nêu rõ "vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường". Do đó quyết định cưỡng chế vẫn có hiệu lực. Sau buổi đối thoại, Ban sẽ báo cáo kết quả vận động để có thời gian chuẩn bị cưỡng chế.
Về diện tích bồi thường hộ bà Mai, ông Toàn cho biết do các hộ không đồng thuận cho kiểm đếm nên Ban sử dụng hồ sơ lưu trữ quản lý của cơ quan nhà nước. Sau khi các hộ di dời hoặc bị cưỡng chế, Ban sẽ tổ chức đo đạc lại, xác định nguồn gốc nhà đất và thực hiện phương án bồi thường theo đúng quy định.
Phản hồi ý kiến của ông Tuấn, Phó ban cưỡng chế quận Hoàn Kiếm nói nhiều di tích có xuất phát điểm là của tư nhân xây dựng, không riêng đền Bà Kiệu. Nhưng sau đó tất cả di tích đều do nhà nước quản lý và đền Bà Kiệu không ngoại lệ. Khi tổ chức tôn tạo các di tích có nguồn gốc như trên, cơ quan quản lý đều cho phép đặt bài vị, bát hương thờ cá nhân có công xây dựng, giữ gìn di tích.
Về đề xuất phục hồi công trình phụ trợ của ông Tuấn, đại diện Sở Văn hóa Thể thao nêu khu vực I phải bảo vệ nguyên trạng. Việc gia đình đề nghị xây dựng hạng mục phụ trợ là không phù hợp.
Không đồng tình, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng gia đình không đề xuất xây mới mà tôn tạo bảo tồn các công trình phụ trợ đang có. Ông đề nghị Ban quản lý dự án cho dựng biển báo công trình, trong đó có hình ảnh khi hoàn thành cải tạo hạ tầng kỹ thuật để người dân, du khách biết và đóng góp ý kiến.
Theo Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng, thành phố giao quận làm chủ đầu tư, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách với mục tiêu là gìn giữ, phát huy giá trị di tích, đồng thời kết nối đền Bà Kiệu với di tích cấp quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Đây là buổi cuối cùng quận và cơ quan ban ngành đối thoại với các hộ dân liên quan đến việc triển khai dự án.
Ông Tùng cảm ơn Công ty cổ phần Mỹ thuật và Vật phẩm văn hóa Hà Nội ủng hộ chủ trương, cam kết di chuyển trong thời gian sớm nhất. Với một số hộ vẫn chưa đồng thuận, quận sẽ tổng hợp kiến nghị phù hợp báo cáo UBND thành phố để tiếp thu và trả lời. Phường Lý Thái Tổ, Ban quản lý dự án quận và các đơn vị cần tiếp tục gặp gỡ, vận động người dân cho đến trước thời điểm cưỡng chế.
"Rất mong các hộ dân đồng hành với quận vì mục đích chung là bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Dự án này phải giải phóng mặt bằng và khôi phục bức tường rào bao quanh công trình, lát lại sân. Sau triển khai, quận sẽ nghiên cứu đề xuất thành phố dự án đầu tư tôn tạo tổng thể đền Bà Kiệu", ông Tùng nói.
Võ Hải