Luật sư Phạm Hồng Hải. Ảnh: luatsuhanoi |
- Dưới góc độ pháp lý, ông đánh giá thế nào trước sai phạm của công ty Vedan?
- Tôi cho rằng, cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước của Vedan nếu không chúng ta sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác. Với những sai phạm của Vedan mà cơ quan chức năng đã đưa ra, người dân có quyền khởi kiện đòi bồi thường.
- Trường hợp này, công ty hay cá nhân nào sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường?
- Theo cơ quan chức năng, việc thải chất độc ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như kinh tế của nhiều người dân trong vùng nhiều năm qua. Nếu việc thải chất độc, xây hệ thống thoát nước bí mật là chủ trương của Hội đồng quản trị thì các thành viên Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm. Nếu là chủ trương của giám đốc thì người này phải chịu trách nhiệm.
Những công nhân vận hành việc xử lý chất thải đó ra sông chỉ là những người đồng phạm. Chúng ta không thể truy cứu trách nhiệm chung chung cho Công ty Vedan Việt Nam được.
- Có người cho rằng, những sai phạm về môi trường của Vedan chỉ có thể xử lý hành chính, khó có thể xử lý hình sự. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi không đồng ý với quan điểm trên. Chúng ta có đầy đủ Luật bảo vệ môi trường, Pháp lệnh xử phạt hành chính, Luật hình sự. Hành vi xả nước thải gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người có thể bị xử lý hình sự theo điều 183 Bộ Luật hình sự (tội gây ô nhiễm nguồn nước).
- Nhiều người đặt câu hỏi vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới được cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi cũng đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền và những người dân địa phương trong bao năm qua không lên tiếng. Phải chăng ở đây có sự móc ngoặc hay cảm thông với công ty Vedan.
Kể từ khi sông Thị Vải ô nhiễm, nhiều ngư dân trở về tay không sau những buổi kéo lưới. Ảnh: Thiên Chương. |
Theo quan điểm của tôi, song song với việc làm rõ trách nhiệm của những cá nhân trong Công ty Vedan, cơ quan chức năng phải xem xét việc thiếu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền như tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên Môi trường... Tại sao, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh không kết hợp với cảnh sát môi trường để ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền xử lý mà không thực hiện để vụ việc kéo dài nhiều năm qua cần phải xem xét trách nhiệm họ. Mức độ nghiêm trọng có thể xử lý hình sự.
Theo điều 183 Bộ luật hình sự, người nào thả vào nguồn nước dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép.... gây dịch bệnh hoặc gây nên các yếu tố độc hại khác đã bị xử phạt hành chính mà cố tính không thực hiện các biện pháp theo các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng thì phạt 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng phạt tù 2-7 năm, đặc biệt nghiêm trọng 5-10 năm. |
Tuấn Anh thực hiện