Từ cuối tháng 9, hai loại văcxin dịch vụ được xếp vào loại khan hiếm là 5 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não, viêm phổi do vi khuẩn Hib) và 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hib và viêm gan B) được đưa ra thị trường phục vụ người dân. Ngay lập tức, nhiều người dân Hà Nội đổ xô đưa con đi tiêm chủng, thậm chí xếp hàng từ nửa đêm, sáng tinh mơ vì sợ hết văcxin, nhất là vào các ngày cuối tuần. Những ngày gần đây, tình hình này đã bớt căng thẳng nhưng các điểm tiêm vẫn khá đông đúc.
Chị Hương (Bạch Mai, Hà Nội) đưa con đi tiêm văcxin 6 trong 1 tại địa điểm tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, chị đã phải ra xếp hàng từ 4h30 sáng để ghi được số thứ tự thứ 3 cho con gái.
“Trước đó nghe mọi người nói là phải xếp hàng từ 12h đêm mới có được số tiêm cho con nên 3h sáng tôi đã ra trước cửa trung tâm để lấy số, nhưng chưa thấy ai thế nên tôi lại về nhà. Đến 4h30 ra tiếp, lúc này thấy mọi người truyền tay nhau tờ giấy ghi đăng ký tiêm cho con, nên tôi đăng ký luôn. May ra sớm nên cháu cũng tiêm được xong sớm, không phải xếp hàng”, chị Hương cho biết.
Theo chị, có người 8h kém đến thì đã hết số tiêm, phải quay về. Điểm tiêm này thời gian gần đây luôn đông kín. Nếu không phải bế con thì hầu hết người nhà đi cùng đều bị đuổi ra ngoài đợi vì không còn chỗ ngồi.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số điểm tiêm của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội hay điểm tiêm phòng của Công ty văcxin và sinh phẩm số 1 tại Làng quốc tế Thăng Long, Hà Nội. Việc cha mẹ đổ xô đưa con đi tiêm chủng như vậy một phần do tâm lý sợ thiếu văcxin như những tháng trước - văcxin mới về nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định không có chuyện thiếu văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 tiêm dịch vụ. Ngày 6/10, điểm tiêm ở Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc - Hà Nội 2 loại văcxin trên vẫn còn. Hiện Trung tâm hết văcxin phòng viêm gan A, B; 4 trong 1 gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt; văcxin phối hợp sởi, quai bị, rubella; thủy đậu… Tuy nhiên, những loại này chỉ thiếu của một số nước như Bỉ, Nhật, Pháp, của Việt Nam và Mỹ vẫn còn.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, hiện 2 loại văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 tại Trung tâm đủ tiêm cho nhu cầu của người dân, không như đợt trước về một ít rồi gián đoạn. Đơn vị đã đăng ký dự trù khoảng 6.000 liều 6 trong 1 và 3.000-4.000 liều 5 trong 1, nhập dần về để tiêm.
“Hiện tiêm chủng dịch vụ chỉ chiếm khoảng 5-10%, tập trung ở một số quận nội thành của Hà Nội, còn lại là tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Văcxin dù là dịch vụ hay tiêm miễn phí đều phải đảm bảo chất lượng mới được tiêm”, ông Cảm nói.
Liên quan việc người dân phải xếp hàng từ đêm chờ văcxin, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, hàng ngày trung tâm đều thông báo văcxin nào còn, hết trên trang thông tin. Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi buổi một bác sĩ chỉ tiêm cho 50 người. Trước khi tiêm các cháu còn được khám sức khỏe, khi quá nhiều người đổ về một nơi, tại một thời điểm thì gây quá tải nhưng không có chuyện thiếu văcxin dịch vụ.
Trao đổi với báo chí ngày 6/10, ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Quản lý Dược (Bộ y tế) cho biết, văcxin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đáp ứng đủ để tiêm miễn phí trên toàn quốc. Các văcxin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 cũng liên tục được nhập về.
Cụ thể, văcxin 5 trong 1 dịch vụ đã được nhập khẩu hơn 48.000 liều ngày 18/9, 12.000 liều ngày 25/8, 10.000 liều ngày 24/7... Văcxin 6 trong 1 đã được nhập khẩu 205.430 liều ngày 20/8. Sau khi kiểm nghiệm, các lô này đều đã được các công ty nhập khẩu chuyển về các đơn vị tiêm chủng phục vụ người dân.
“Hiện nay, tại kho của công ty nhập khẩu còn tồn trên 140.000 liều văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1. Vì vậy nguồn cung 2 loại văcxin này không thiếu. Tình trạng khan hiếm hồi đầu năm cơ bản đã được giải quyết. Các đơn vị có dự trù đều đã nhận được văcxin theo đúng nhu cầu, nếu có điểm nào thiếu cục bộ là do lập dự trù chưa sát với nhu cầu thực tế”, ông Đông nói.
Theo ông, văcxin tiêm dịch vụ được phục vụ theo nhu cầu của nhân dân, tuân theo quy luật cung - cầu. Các đơn vị cung cấp văcxin đều muốn kinh doanh với số lượng càng nhiều càng tốt. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp nào cố tình đầu cơ để trục lợi (nếu có), doanh nghiệp đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đặc thù của văcxin là thời gian sản xuất dài (khoảng 6 tháng), hạn sử dùng ngắn, điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, số lượng nhà sản xuất trên toàn cầu ít nên nhà sản xuất cần thời gian để tổng hợp các đơn đặt hàng nhận được và lập kế hoạch sản xuất. Vì vậy, công tác lập dự trù và đặt hàng của các đơn vị tiêm chủng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo nguồn văcxin.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền về tiêm chủng để nâng cao nhận thức của người dân và kịp thời thông tin về các văcxin, tránh tình trạng người dân đột ngột bỏ tiêm rồi lúc nào đó lại đổ xô đi tiêm vào cùng một thời điểm. Bộ cũng đã hướng dẫn nhân viên y tế có thể tư vấn người dân sử dụng văcxin tương tự trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc phối hợp các văcxin đơn giá sẵn có trong trường hợp thiếu một loại văcxin tiêm dịch vụ nào đó.
Nam Phương