10 ngày nay, khoảng 40 hộ dân thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì ngăn chặn việc vận chuyển rác vào khu xử lý chất thải Xuân Sơn nằm trên xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì). Họ dựng lều sát cổng khu xử lý chất thải, luôn có 4-5 phụ nữ túc trực cả ngày lẫn đêm ngăn xe rác vào bãi.
Một số người dân cho biết gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500 m) của bãi chôn lấp rác thải Xuân Sơn, do UBND huyện Ba Vì đang thực hiện. Đồng tình chủ trương di dời, nhưng người dân không chấp nhận phương án bồi thường, hỗ trợ vì quá thấp.
Người dân kiến nghị được áp dụng chính sách hỗ trợ bằng 3 lần giá đất nông nghiệp giống dự án tương tự đã triển khai từ năm 2017; bồi thường đất ở và công trình xây dựng đối với những hộ có đất và tài sản, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Người dân dựng lều và chặn xe chở rác vào khu xử lý chất thải Xuân Sơn. Ảnh: Hoàng Phong
Theo UBND huyện Ba Vì, hôm 6/2 huyện tổ chức công khai phương án dự thảo bồi thường, hỗ trợ đối với 28 hộ xứ Đồng Đá Bạc thuộc dự án, nhưng toàn bộ hộ dân không đồng ý. Một ngày sau, người dân dựng lều ở trước cổng khu xử lý rác và chặn xe chở rác. Ngày 14/2, chính quyền tổ chức đối thoại với các hộ dân, ghi nhận ý kiến và báo cáo xin ý kiến của UBND thành phố.
Bãi rác Xuân Sơn hiện xử lý rác sinh hoạt cho 12 huyện gồm Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây, khối lượng 1.500 tấn/ngày.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phân luồng tạm thời rác thải sinh hoạt chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, khối lượng khoảng 700 tấn/ngày. Khoảng 100 tấn rác mỗi ngày của huyện Hoài Đức, Đan Phượng được chuyển về hợp tác xã Thành Công.
Đối với lượng rác thải tồn ở điểm tập kết, điểm trung chuyển, các đơn vị thu gom được giao chủ động phun thuốc khử khuẩn, rắc vôi bột, bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Một điểm tập kết rác trên địa bàn huyện Ba Vì ùn ứ do bãi rác Xuân Sơn bị chặn. Ảnh: Hoàng Phong
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn. Nhưng hiện thành phố mới có hai khu (Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn) hoạt động. Trong khi đó mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.500 tấn rác sinh hoạt, được xử lý chủ yếu bằng chôn lấp tại hai bãi Nam Sơn (khoảng 5.000 tấn) và bãi Xuân Sơn (khoảng 1.500 tấn), còn lại đốt tại một số lò.
Những năm qua, hai bãi rác lớn nhất Thủ đô là Nam Sơn và Xuân Sơn thường xuyên bị người dân chặn xe vào do gây ảnh hưởng môi trường, hay không đồng thuận với chính sách hỗ trợ đền bù.
Võ Hải