![]() |
- Thưa bà, kết quả xét nghiệm với các ca nghi nhiễm gần đây ra sao? - Chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu chiều qua đối với 3 bệnh nhi nhập Viện Nhi trung ương. Các cháu có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, đều đến từ các vùng xảy ra dịch cúm gà: một cháu từ Hà Tây, một cháu từ Vĩnh Phúc và cháu còn lại ở Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Còn với 3 bệnh nhân người Thái Bình, mặc dù có kết quả âm tính với H5N1 trong xét nghiệm ban đầu, song vẫn cần tiếp tục theo dõi. Chưa có kết luận cuối cùng đối với các trường hợp này. - Công việc nghiên cứu đường lây nhiễm từ gà sang người đã được tiến hành đến đâu, thưa bà? - Chúng tôi đã gửi các mẫu bệnh phẩm ở người, gia súc và gia cầm thu được tại Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh tới các phòng thí nghiệm tại Atlanta (Mỹ) và Hong Kong, tuy nhiên chưa có kết quả. Theo nguyên lý, virus ở gia cầm dù có kháng nguyên giống với ở người, nhưng vẫn không thể lây trực tiếp sang người được, vì bề mặt của chúng khác nhau. Do đó, cần có một quá trình tái tổ hợp trên một động vật có vú mẫn cảm với nhiều loại virus, mà chúng tôi xác định là lợn. Tuy nhiên, chỉ khi có kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm thì mới có thể biết giả thiết này đúng hay sai. - Tổ chức Nông - Lương thế giới khẳng định virus lây trực tiếp từ gia cầm sang người, và chỉ nguy hiểm khi chúng tái tổ hợp với virus cúm ở người. Bà nghĩ sao về giả thiết này? - Nếu khả năng đó thực sự xảy ra, thì hàng vạn người dân chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh Long An, Tiền Giang đã nhiễm cúm gà, do hiện nay các điều kiện phòng hộ ở hai địa phương này vô cùng thiếu thốn. Song, đến nay tôi chưa nhận được thông báo về ca nghi nhiễm cúm gà nào ở khu vực này. Chúng tôi vẫn theo đuổi con đường của mình, nhưng cũng khuyến cáo rằng người dân cần được phòng hộ cẩn thận, vì những giả thiết của các nhà khoa học khác cũng có thể đúng. - Theo bà, vấn đề quan trọng nhất hiện nay chúng ta phải làm là gì? - Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phòng hộ cho người dân trong vùng dịch. Lý do là ở nước ta, các hộ gia đình thường chăn nuôi cả gia cầm và gia súc, nên dù giả thiết của chúng tôi hay của ngành thú y đúng, nguy cơ lây nhiễm sang người đều rất cao. Do vậy, người dân cần được cung cấp trang thiết bị phòng hộ, và cần được trang bị đầy đủ các kiến thức về dự phòng ngay lập tức - tôi nói là ngay lập tức - vì theo khảo sát của Viện, người dân ở các vùng nông thôn không ý thức được mối nguy hiểm của cúm gà. - Còn việc nghiên cứu sự kết hợp, biến chủng của virus và con đường lây nhiễm bệnh thí sao? - Đó là công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó Việt Nam luôn có những nỗ lực hợp tác cao nhất, về vấn đề chia sẻ thông tin, mẫu bệnh phẩm, các giả thiết... Chúng ta chưa đủ trang thiết bị để tiến hành xét nghiệm đến cùng, nhưng việc cung cấp thông tin về diễn tiến của bệnh, về các ca nghi nhiễm mới, về mẫu bệnh phẩm là hết sức cần thiết cho quá trình nghiên cứu nhằm phòng tránh một đại dịch cúm trên toàn cầu. Dù các kết quả nghiên cứu này có như thế nào chăng nữa, thì thế giới cũng không thể này lập tức sản xuất vacxin và khi có vacxin rồi thì hiệu quả phòng cúm A của nó cũng chỉ được phát huy sau khi tiêm chủng vài tháng. Do đó, chúng ta cần dự phòng trước khi điều xấu nhất xảy ra, dù chỉ có 1% xác suất là nó sẽ xảy ra. Thiên Đức |