Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc tiêu thụ cau mạnh. Nhờ thế, nhiều chủ vườn ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), nơi được gọi là "xứ ngàn cau" với diện tích gần 800 ha, bỗng phất lên khấm khá. Với giá cau dao động từ 15.000 đến 30.000 đồng mỗi kg, một vườn cau hàng trăm đến hàng nghìn gốc có thể cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhưng mặt khác, giá cau tăng cao cũng làm nhiều người không kìm được lòng tham. Chỉ cần trộm mấy buồng cau, kẻ gian có thể bán được vài trăm nghìn đồng. Chủ vườn phải vắt óc nghĩ ra nhiều kế để chống trộm, vốn thường "hành nghề" vào ban đêm, đến những vườn cau gần đường hoặc xa khu dân cư.
Tại một vườn cau ở xã Sơn Liên, người dân đặt biển báo với dòng chữ: "Cảnh báo cấm trèo cau, có dao lam, chết tự chịu". Không chỉ dọa suông, trong vườn này có một số cây cau cắm chi chít mảnh dao lam.
Người dân giải thích, khi hái cau xong, kẻ trộm phải tuột từ trên cao xuống, nếu dính các bẫy dao lam sẽ bị đứt tay, chân nhưng không nguy hiểm chết người. Kẻ trộm chỉ cần đi sát trùng vết thương sẽ khỏi. "Chỉ số ít người dùng cách này vì họ quá bực tức, người trồng thì không có hái còn người không trồng thì có cau bán", một chủ vườn than phiền.
Do cách này nguy hiểm, nhiều chủ vườn dùng biện pháp nhẹ hơn. Ở các vườn cau gần đường, người dân dùng hai thanh nứa tròng lên thân cây. Anh Đinh Văn Thành (37 tuổi, ở xã Sơn Dung) giải thích, đây là cách người dân đánh dấu để dọa kẻ trộm.
Nhà anh Thành cách rẫy cau vài km. Năm ngoái, do trộm cau hoành hành, anh đã mua dao lam cắm lên thân cây để chống trộm, sau đó tròng tre nứa lên để đánh dấu. Đến khi thu hoạch, anh gỡ dao lam, thuê người hái cau. "Nhưng gỡ dao lam không hết nên một số người bị thương ở chân. Tôi thấy tội quá nên năm nay không cắm nữa mà chỉ tròng nứa", anh nói.
Cách làm này chỉ tốn công vô ích. Chỉ vào những thanh nứa dưới gốc cau, anh Thành giải thích đó là do trộm gỡ xuống. Năm nay, anh bị trộm khoảng 50 kg. "Tối nào tôi cũng đi thăm vườn đến 9h, nhưng mình về thì họ hái. Thôi thì họ hái bao nhiêu hái còn lại mình", anh cười xòa.
Một số người nghĩ ra cách đe dọa tinh thần kẻ trộm bằng tâm linh, song chính họ cũng bán tín bán nghi. "Năm ngoái, có người còn dán bùa lên cau. Tui nghe nói trộm leo lên cây cau dán bùa sẽ bị dính vào cây cau, không biết có đúng không?", một người dân nói.
Dựng chòi trắng đêm canh trộm
Già làng Đinh Văn Hanh ở thôn Ka Năng là người trồng cau nhiều nhất xã Sơn Tinh với diện tích gần 3 ha. Ông Hanh cho biết vì cau nhiều lại trồng rải rác nhiều nơi nên mùa nào cũng bị mất trộm. "Tối nào mình cũng đi thăm rẫy như đi tuần, thấy mình là họ chạy", ông nói.
Hai năm nay, ông Hanh dựng chòi trên các rẫy cau xa hoặc gần đường để canh trộm. Cứ đến mùa, con cháu ông lại mang chăn, mền lên rẫy ngủ lại. Nhưng kẻ trộm vẫn ra tay khi chủ nhân sơ sẩy. "Mùa nào cũng mất 3-4 tạ cau, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng", ông ước tính.
Già làng cho biết trộm cau không chỉ ở địa phương mà còn ở xã khác, huyện khác đến. Có lần bắt được, con cháu ông rượt đuổi để lấy lại mấy bao cau. "Nhưng nhiều lần khác bắt được tôi cũng không xử lý, vì phần lớn họ cũng khổ, không có gì thu nhập", chủ vườn cau cho biết. Một số kẻ trộm là học sinh, trộm bán lấy tiền tiêu vặt. Khi bắt gặp, ông chỉ nhắc nhở rồi bỏ qua.
Trên con đường lên trung tâm huyện Sơn Tây, bà Đinh Thị Sướng cũng cho biết mới dựng chòi năm nay. "Họ cứ dựng xe máy ven đường giả vờ đi rẫy rồi trộm cau. Năm ngoái tôi chẳng còn bao nhiêu để bán", bà Sướng than.
Ông Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch UBND xã Sơn Dung cho biết, năm ngoái, công an xã đã gọi một số học sinh trộm cau lên nhắc nhở, yêu cầu không tái phạm. Đối với chủ vườn găm dao lam vào thân cây, chính quyền đến nhà vận động người dân gỡ để tránh nguy hiểm cho người khác. "Năm nay tình trạng trộm cau đã giảm, cũng không nghe báo về việc người dân chống trộm bằng dao lam", ông nói.
Còn theo ông Đinh Văn Nguyên - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Liên, năm trước, một số kẻ trộm cau bị lưỡi lam gây thương thích được đưa về trạm y tế điều trị, sau đó kiểm điểm trước dân. "Năm nay chưa phát hiện trường hợp nào bị thương do trộm cau bị dính lưỡi lam", ông Nguyên nói.