Vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 với sức mạnh tương đương một trận động đất 3,5 độ đã làm ít nhất 100 người thiệt mạng, khoảng 4.000 người bị thương phải nhập viện điều trị và hàng nghìn người rơi vào cảnh không nhà.
Phần lớn cảng Beirut bị san phẳng và toàn bộ các khu dân cư gần đó cũng bị phá hủy. Lực lượng an ninh đã phong tỏa khu vực rộng lớn quanh vị trí xảy ra vụ nổ, ngăn người dân tiếp cận nhà của họ để kiểm tra thiệt hại. Nhiều người không còn nơi nào để đi, hoặc không nỡ lòng để lại ngôi nhà đổ nát của mình cho những kẻ hôi của.
![Khu vực gần cảng Beirut bị phá huỷ nặng nề sau vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/05/000-1WA6IF-1170-1596616256.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TLVIJOwqj5okqQuk63YOUQ)
Khu vực gần cảng Beirut bị phá huỷ nặng nề sau vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: AFP
Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn về đêm do thiếu điện, vốn đã chập chờn ở phần lớn thành phố trước cả khi thảm hoạ xảy ra.
"Chúng tôi đã sống những ngày đen tối ở Lebanon nhiều năm qua nhưng đây là điều gì đó khác hẳn", Rami Rifai, một kỹ sư 38 tuổi, nói tại bệnh viện nơi hai con gái của anh đang được điều trị sau khi bị thương, dù ở cách hiện trường 500 mét.
Ở những khu vực gần bến cảng nhất, vụ nổ trong chớp mắt đã tàn phá các tòa nhà trong bán kính hàng trăm mét. Một người dân sống tại Mar Mikhail, một trong những khu dân cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất, kể rằng bà đã nhìn thấy những thi thể nằm rải rác giữa đường phố, dường như bị hất văng khỏi ban công và mái nhà.
![Một cư dân bị thương sau vụ nổ ở Beirut hôm 4/8. Ảnh: Sky News](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/05/skynews-beirut-explosion-injur-4530-4852-1596616256.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-Y7j9f_m-PKHPLbz020LGQ)
Một cư dân bị thương sau vụ nổ ở Beirut hôm 4/8. Ảnh: Sky News
Johnny Assaf, một nhân viên bất động sản có cả nhà và văn phòng bị phá huỷ, cho hay anh đã mất mọi thứ, chỉ giữ lại được mạng sống.
"Ban đầu tôi nhìn thấy đám mây hình nấm, sau đó sóng xung kích từ vụ nổ quét qua văn phòng của tôi. Nó khiến tôi văng ra giữa phòng và đập đầu vào chiếc máy in", anh kể, ôm lấy cánh tay được băng bó sơ sài. "Ở bệnh viện, họ khâu cho tôi mà không có thuốc tê và sau đó bỏ dở vì có quá nhiều người bị thương nặng được chuyển tới. Tôi nhìn thấy nhiều người chết trước mặt mình".
Các bệnh viện, vốn đã kiệt quệ vì số ca Covid-19 gia tăng những ngày gần đây, giờ phải đón thêm làn sóng người bị thương, đã buộc phải từ chối tiếp nhận điều trị cho nhiều người có thương tích nhẹ hơn. Bệnh viện Saint-Georges bị phá huỷ nghiêm trọng và mất đi nhiều y bác sĩ do vụ nổ.
Hội Chữ thập đỏ lo ngại số người chết có thể tăng lên đáng kể. Ở một đất nước nơi người dân từ đầu năm nay đã không thể rút tiền từ ngân hàng, hy vọng được bồi thường vì mất nhà cửa là rất mong manh.
Vụ nổ được ví như "bom nguyên tử ở Nhật" tại Beirut, Lebanon, ngày 4/8. Video: CNN.
Chìm trong nợ nần và tê liệt về chính trị, Lebanon dường như không thể ứng phó với cuộc khủng hoảng mới này. Tuy nhiên, sự đoàn kết trong gốc rễ vẫn tồn tại với những sáng kiến nhanh chóng được thành lập trên mạng xã hội nhằm giúp đỡ mọi người tìm kiếm người thân và hỗ trợ các nạn nhân chỗ ở miễn phí.
"Chúng tôi đang trải qua khủng hoảng kinh tế, một chính phủ nhiều tham nhũng và Covid-19. Tôi nghĩ mọi thứ không thể tồi tệ hơn, nhưng bây giờ tôi không biết liệu đất nước này có thể gượng dậy được nữa hay không. Mọi người sẽ cố gắng rời đi. Tôi sẽ cố gắng rời đi", Rami Rifai nói, giọng nấc lên nghẹn ngào.
Anh Ngọc (Theo AFP)