"Từ lúc nghe Ban quản lý chợ thông báo, tôi bỗng sợ. Mới trưa nay cháu nó mua mấy lạng thịt gà về rang, chẳng biết con gà đó có bệnh không. Cầu trời không bị làm sao, chứ nhỡ ra thì ai nuôi cháu", chị Lan vừa nói, vừa co rúm người. Bà Nguyễn Thị Nhẫn, bán hàng nước ngay sát khu vực để xe vào chợ Long Biên, cũng tỏ ra e ngại. "Mình già rồi, ăn thịt gà nhiễm bệnh chết cũng chẳng sao. Nhưng còn hai đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, nhỡ có làm sao thì phải tội". Nhà bà bắt đầu chuyển sang ăn thịt lợn, cá, đậu phụ.
Một chủ quầy hoa quả lớn ở chợ Long Biên sau khi được thông báo Hà Nội đã có 2 điểm dịch thì phát hoảng và khẳng định từ nay gia đình sẽ không ăn gia cầm nữa. Nhưng chị rất tiếc vì thịt gà, vịt là món khoái khẩu của gia đình, nên nếu hôm nào thèm quá thì đích thân chị sẽ đi mua. "Phải chọn con nào khỏe mạnh, chứ loại mào đen, phân trắng, chân khô, người khô, rù rù là tránh xa. Tốt nhất là mua của các mối quen", chị nói. Những người phụ nữ này đều tỏ ra bối rối trước việc Tết sẽ cúng thứ gì. "Tết không thể thiếu được con gà thắp hương cho ông bà tổ tiên, rồi còn cúng ở chùa nữa. Chắc tôi vẫn phải mua gà sống rồi về tự làm", chủ quầy hoa quả nói. Chị Lan, bà Nhẫn cho biết Tết vẫn cúng gà, nhưng không phải là mua ở chợ mà mang ở quê ra. "Quê tôi (xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nhà nào chẳng nuôi được 5-7 con gà dành ăn Tết. Loại ấy thắp hương thì vô tư", chị Lan nói. Theo những người buôn bán ở chợ Long Biên, sở dĩ họ e ngại là vì hằng ngày chứng kiến cảnh mua bán, giết mổ gia cầm trong chợ rất lộn xộn. Công tác kiểm dịch không được thực hiện tới nơi tới chốn. "Bán hàng thì ai chẳng nói đã qua kiểm dịch, nhưng mấy nghìn gia cầm từ khắp các tỉnh vào đây thì làm sao kiểm xuể. Chợ hoạt động từ 2h sáng đến 2h chiều hôm sau, còn cán bộ kiểm dịch chỉ làm việc theo giờ nhà nước", chủ quầy hoa quả nói. Theo ghi nhận của VnExpress sáng nay tại chợ Long Biên, nơi mỗi ngày tiêu thụ 5.000-7.000 gia cầm, có hàng trăm xe máy, ôtô chở gà, vịt, ngan, ngỗng, chim câu... nườm nượp đổ về. Song chỉ có 2 nhân viên thú y cắm chốt tại lối vào khu vực buôn bán gia cầm. Mỗi lần có xe hay gánh hàng đi vào, kỹ thuật viên tên Hà lại dùng cần phun thuốc xịt lên đàn gia cầm. Vừa xịt, cô vừa hỏi hàng từ đâu tới để ghi vào một cuốn sổ những chi tiết như: biển số xe, chủng loại hàng, nguồn hàng (theo lời tự khai của chủ xe). Như vậy là xong việc kiểm dịch một lô hàng. Nhân viên thú y không ngó xem, trong số hàng trăm gia cầm chen chúc trong cái lồng chật chội hoặc những bao tải đựng gà vịt có con nào dấu hiệu bệnh. Họ cũng không hỏi giấy kiểm dịch gốc (từ nơi xuất hàng) của chủ xe. Việc dán tem kiểm dịch lên những lồng gia cầm hoặc những con đã được chế biến cũng hoàn toàn không có. Giải thích về việc này, bà Nguyễn Thị Hoa, Đội trưởng Thú y quận Ba Đình, nói: "Chúng tôi có dán tem, nhưng đa số chủ hàng cất đi. Còn gà thịt rồi mà đóng dấu kiểm dịch thì xấu mã, người ta không thích". Bà Hoa khẳng định tất cả gia cầm vào chợ đều được kiểm dịch, phun thuốc khử trùng. Ở chợ đầu mối Long Biên có 3 nhân viên thú y, 1 người làm nhiệm vụ ở bãi để xe, 2 người cắm chốt tại lối vào khu buôn bán. Nhưng theo quan sát của VnExpres, nhiều xe chở gia cầm từ ngoài vào không qua chốt kiểm dịch, chẳng cần phun thuốc mà tạt ngay sang giao hàng cho các quầy nằm ở bên phải lối vào. Việc giết mổ gia cầm tại chợ cũng rất lộn xộn. Những đàn ngan, vịt đưa từ Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh đến được để xuống đất, chẳng cần lồng, đàn nọ sát sạt đàn kia. Kế ngay đó là những hàng giết mổ gia cầm. Đa số những con xấu mã hoặc ốm được mổ ngay tại chỗ. Gà sạch, gà ốm đều được rửa chung một thùng nước và khi đến tay người tiêu dùng thì trông vẫn nõn nà, chẳng ai biết chúng có bệnh hay không. Như Trang |