Người phụ nữ xộc xệch đội chiếc nón mê, mặc bộ quần áo tuềnh toàng bỏ dở xe rác đang thu gom ở cuối thôn, bế đứa con chạy về nhà. Trông già hơn so với tuổi ngoài 40, chị Hằng ngại ngùng mời khách vào căn nhà bừa bộn quần áo, đồ đạc để la liệt trên sàn nhà lát đá hoa. Ngoài cổng, những người hàng xóm tò mò nhìn ngó, bàn tán vì chẳng mấy khi thấy nhà chị Hằng, anh Đăng có người tới thăm. Anh Đăng lầm lũi bước vào nhà và ôm đứa con gái nhỏ, hôn hít, xoa đầu khiến cô bé cười khanh khách. Bé ngoan ngoãn ngồi trên giường ăn kẹo cùng bố.
Nghe vợ nói nhà có khách, anh Đăng ngừng ăn, ra bể rửa tay và thay chiếc áo khoác cáu bẩn bằng áo sơ mi đã mất vài cái cúc rồi bẽn lẽn ngồi cạnh vợ. Bình thường vào giờ này, chị Hằng đang đẩy xe rác hay còng lưng mò cua, bắt ốc ngoài đồng, còn chồng chị lang thang khắp làng, chán mới mò về nhà.
Hơn chục năm qua, cuộc hôn nhân của chị Hằng và anh Đăng vẫn là câu chuyện lạ gây bàn tán khắp thôn. Nhắc đến họ, người làng tỏ ý khâm phục người phụ nữ lấy chồng điên và thương cảm hoàn cảnh nghèo khổ của đôi vợ chồng ấy. Trong mắt người làng, chị Hằng được xem là dũng cảm, đảm đang, chịu khó lo cho chồng con ngày ba bữa.
Ngày chị về làm dâu thôn Văn Hội, cả làng hiếu kỳ kéo đến xem mặt. Người đoán chị chắc cũng "đơ đơ", người lại kết luận "nồi tròn úp vung tròn", còn chị giữ riêng cho mình lý do đến với người chồng từng đi bộ đội. Sau khi giải ngũ, anh Đăng mới phát bệnh.
Đan hai bàn tay vào nhau, chị Hằng hồi tưởng lại cái ngày được mai mối với anh Đăng. Nói chuyện hồn nhiên, dân dã, chị hay cười kể cả khi nhắc đến những nỗi vất vả. Chiếc áo mặc bên ngoài có phần tay áo rách toạc thỉnh thoảng lại vướng vào mặt mỗi khi chị lấy tay vén mớ tóc lòa xòa.
Một lần lên Văn Hội cắt lúa và vào nhà em chơi, chị được chị dâu của anh Đăng ướm hỏi cho người chồng tương lai. Không lâu sau, người chị đó cùng gia đình sang xin cau nhà chị Hằng. Ngày ấy, bệnh tình anh Đăng chưa nặng như bây giờ. Lúc anh đến, trông thấy lù rù, nghĩ chắc cũng chẳng được nhờ nhưng chán cảnh sống cùng mẹ kế và bị gia đình giục, chị đã đồng ý. "Tôi thấy anh Đăng khổ, không làm được gì nên tôi lấy coi như gánh cái nặng cho anh ấy", chị Hằng nói.
Anh em và bạn bè đều ngăn cản vì cho rằng chị "không đến nỗi nào" tội gì phải lấy người dở hơi. Họ sợ chị khổ, không dựa dẫm được mà phải hầu hạ, chăm sóc người chồng bệnh tật suốt đời. Nhiều người chê chị điên và cười nhạo quyết định dại dột ấy.
Lúc đầu, chị nghĩ thà chăm sóc anh còn hơn là sống chung với mẹ kế, nhưng rồi cuộc sống khó khăn làm chị nhiều đêm nằm khóc một mình. Chồng không biết làm việc gì ngoài đi lang thang khiến gánh nặng cơm áo dồn cả lên vai chị. Những lúc ốm đau, chị nhờ bố đẻ mua thuốc và sang chăm sóc.
Để có tiền, chị nhận dọn vệ sinh ở thôn với mức lương hơn một triệu đồng một tháng. Chị cũng tranh thủ mò cua, bắt ốc và làm vàng mã ở nhà. Cùng với khoản trợ cấp của chồng, thu nhập gia đình chị mỗi tháng ngót nghét khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền ấy chẳng đủ để chị lo thuốc men, ăn uống và quà bánh cho chồng con hàng tháng.
Lúc biết mang thai đứa con thứ hai, chị Hằng từng muốn bỏ vì nghĩ không thể nuôi được. Đứa con đầu đã 13 tuổi cũng ngơ giống bố nên chị không muốn cuộc đời đứa thứ hai cũng khổ như vậy. Suy đi tính lại, cuối cùng chị không đành lòng bỏ con.
"Suốt ba tháng sau khi đẻ đứa thứ hai, mẹ con tôi chỉ ăn rau má độn với sắn bào. Không vay được ai tiền, tôi bò dậy ngày hai bữa đi đào rau má", chị Hằng kể.
Nhắc lại những ngày khốn khổ, đôi mắt của người đàn bà này đỏ hoe, mọng nước. Chị bảo có người chồng điên dại khổ lắm nhưng nếu được quyết định lại, có khi chị vẫn làm như vậy. Giờ thì chị không nỡ bỏ người chồng điên bởi ngoài việc ngây dại, anh chẳng khi nào đánh chửi vợ con. Chị Hằng tâm sự, những hôm ngồi yên ở nhà, anh Đăng rất yêu con và thích chơi đùa cùng chúng. "Lúc tỉnh táo, biết mình không làm được gì, anh ấy bảo vợ 'chăm sóc tôi với nhé'. Nghe câu ây, tôi không cam tâm bỏ được", chị Hằng chia sẻ.
Từ ngày đi làm dâu, thỉnh thoảng chị mới về đằng ngoại vì "đi vắng thì ai kiếm gạo cho chồng con ăn". Cách đây ba, bốn năm, nhờ xã hỗ trợ, chị cất được căn nhà ngói lát đá hoa và cả công trình phụ để cả nhà có chỗ trú mưa nắng. Căn nhà rộng khoảng 30m2 có duy nhất chiếc giường, giữa nhà là vài bao tải thóc ai đó gửi trở thành chỗ chơi cho hai đứa trẻ.
Không mong muốn gì cho mình, chị chỉ lo cho sức khỏe của chồng con. Gần đây, bệnh tình trở nặng, anh Đăng hay ho ra máu. Nhiều đêm, anh vừa đi vừa hét khắp làng. Có đợt anh đi xa cả tháng trời rồi tự tìm được đường về nhà. Giờ nỗi lo lớn nhất của chị là vẫn chưa chuyển được khẩu về đây để yên tâm chăm nuôi chồng con.
Theo ông Nguyễn Đình Thế, trưởng thôn Văn Hội, gia đình chị Hằng, anh Đăng thuộc diện hộ nghèo và luôn được ưu tiên hưởng mọi chế độ theo quy định. Hàng tháng, anh Đăng được hưởng trợ cấp hơn 300.000 đồng, con cái đi học không mất tiền. "Trước đây anh Đăng từng đi chiến đấu và phát bệnh sau khi xuất ngũ. So với người bình thường, chị vợ cũng không được nhanh nhẹn bằng nhưng bù lại chịu khó, biết vun vén. Cuộc sống khó khăn nên hàng xóm rất thương hoàn cảnh của họ", ông Thế nói.
Bình Minh