TAND Hà Nội trong tháng 4 đã mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của bà Thanh trong vụ tranh chấp hôn nhân với người chồng 66 tuổi.
Tại phiên toà sơ thẩm mở tại TAND quận Đống Đa, hai ông bà trình bày đến với nhau từ hơn 30 năm trước do bố mẹ sắp đặt. Ông Dương thường xuyên công tác xa nhà, một mình vợ chăm sóc hai con. Năm 2006, ông nghỉ hưu, thời gian ở nhà nhiều hơn thì vợ chồng ngày càng mâu thuẫn.
Bốn năm sau, khi xung đột không thể hoá giải, ông Dương ly thân, dọn ra ngoài sống. Gần chục năm xa mặt cách lòng, người chồng nộp đơn xin ly hôn. Bà Thanh không đồng ý bởi cho rằng còn tình cảm, đã bao năm hy sinh cho chồng con.
Trình bày trước toà, bà nói ông Dương nghiện ma tuý, ham cờ bạc, vay tiền không trả, lừa đảo, lừa dối cha mẹ. Hơn nữa, ông bất ngờ đâm đơn ly hôn khi bà đang ốm đau.
Do ở phiên sơ thẩm mở cuối năm 2018, bà không chứng minh được vợ chồng còn tình cảm và có thể hàn gắn, ông Dương kiên quyết xin ly hôn, TAND quận Đống Đa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Tài sản chung, tòa để hai bên thỏa thuận.
Bà Thanh kháng cáo vì cho rằng tòa sơ thẩm không sắp xếp cho bà được hòa giải. Ở phiên phúc thẩm, trước nhiều câu hỏi của chủ tọa về việc "có đề nghị thay đổi ai trong HĐXX, có giữ nguyên đơn kháng cáo, có trình bày gì?", bà Thanh không trả lời thẳng, một mực đề nghị hoãn phiên tòa để tìm chứng cứ về việc ông Dương vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình. Toà không chấp nhận điều này, cho hay thông tin có trong hồ sơ và đã cho bà thời gian chuẩn bị.
Trong phần trình bày sau đó, bà Thanh nói cả chục năm xa nhà đằng đẵng, ông Dương không chu cấp, không có trách nhiệm với vợ con. Khi ông về hưu, bà tưởng có người bầu bạn thì chồng lại viện đủ cớ bỏ nhà ra đi, rồi còn có bồ riêng. Bà giải thích lý do không đi tìm chồng vì ông nghiện cờ bạc, có biểu hiện ngáo đá, trong khi bà là người mộ đạo nên không thể "bước chân tới nơi đó".
Chủ tọa ngắt lời bà bằng câu hỏi: "Ông ấy như vậy thì có còn xứng là chồng bà không? Tình cảm như thế còn hàn gắn được không?". Bà trả lời lảng tránh, nói "tình cảm là hai đứa con đó, tòa đi hỏi người phạm tội ấy".
Trước việc, bà Thanh nhiều lần không trả lời thẳng, một thành viên HĐXX phải kiểm tra bằng câu nói: Bà có hiểu những điều toà nói không?
Trái với vợ, ông Dương xin tòa xử đúng như bản án sơ thẩm, không muốn tranh luận. Ông nói TAND quận Đống Đa nhiều lần gọi hai người tới hoà giải song bà chưa bao giờ có mặt. Ông muốn tòa phúc thẩm nhanh ra quyết định ly hôn bởi ở bất cứ đâu, bà cũng đều xỉ vả chồng. Trong suốt phiên tòa, khi người vợ đứng cạnh bức xúc, luôn miệng tố cáo, ông Dương chỉ đứng im không quay sang nhìn hay phản bác câu nào.
Tại bản án đọc trong chừng năm phút vào ngày 9/4, chủ toạ tuyên giữ nguyên quyết định của cấp sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của bà Thanh. Theo cấp phúc thẩm, ngay từ quá trình tố tụng ở cấp sơ thẩm, cả hai vợ chồng bà Thanh đã không có tiếng nói chung. Theo trình bày của cả hai phía, tình trạng ly thân của ông bà đã kéo dài, không có khả năng hàn gắn, cải thiện. Trong khi đó, hai con chung của ông bà đã trưởng thành. Vì vậy phán quyết của cấp sơ thẩm là có cơ sở, không có căn cứ để thay đổi bản án.
Kết thúc phiên tòa, khi ông Dương đi nhanh ra khỏi phòng xử án, bà Thanh nói to với theo: "Thằng lừa đảo, tôi còn phải kiện nhiều nữa". Bà sau đó nán lại hồi lâu để hỏi thành viên HĐXX về khả năng chống án sau phiên phúc thẩm.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Bảo Hà