Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thìn ở xóm 6, xã Văn Sơn (Đô Lương, Nghệ An) vào một chiều đông khi bà vắng nhà. Căn nhà 3 gian cấp 4 dưới chân núi được xây dựng từ năm 1977 ọp ẹp và có thể sập bất cứ lúc nào. Đây là nơi bà Thìn cùng gia đình cậu em trai và người mẹ già 86 tuổi ra vào hàng ngày. Ngồi một lúc, em trai bà reo lên: “Nhà văn bà Thìn đã về rồi kìa”. Và bà Thìn xuất hiện trước sân trên chiếc xe đạp cà tàng, phía sau là chiếc túi đựng những tập truyện ngắn “Liều thuốc thần kỳ” bà vừa xuất bản hồi cuối tháng 9.
Thấy khách lạ, bà khoe: “Tôi vừa đi xuống Vinh ăn cưới con của người bạn thân, tiện thể mang mấy cuốn sách vừa được xuất bản về. Sách bán hết rồi, chỉ còn mấy cuốn về tặng mọi người thôi”. Nghe câu chuyện của bà Thìn đã lâu, đến giờ chúng tôi mới được gặp bà. Ngồi đối diện với chúng tôi là một người phụ nữ với khuôn mặt hiền hậu và đôi mắt đượm buồn, đầy suy tư, âu lo.
Vốn là con trưởng của gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1971, đang học dở lớp 9 thì cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt. Cũng như bao chàng trai, cô gái khác, Nguyễn Thị Thìn đành xếp bút nghiên xung phong ra chiến trường và phục vụ tại Binh đoàn 559 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở Quảng Trị - Nam Lào. Thời gian này, bà cùng đồng đội được giao nhiệm vụ vận chuyển công văn, thư tín, sách báo ra chiến trường. Làm việc trong mưa bom, bão đạn vất vả lại đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhưng đây là một nhiệm vụ tối quan trọng nên Thìn cùng đồng đội cố gắng hoàn thành.
Năm 1974, vì sức khỏe yếu nên bà xuất ngũ trở về và được điều chuyển về nhà máy dệt Vĩnh Phú làm công nhân. Trong một lần đang làm việc, bà bị ngất đi. Thấy sức khỏe của bà Thìn không được tốt, nên ban giám đốc nhà máy định bố trí bà làm việc ở vị trí khác nhưng bà xin trở về quê và theo học ở trường, vừa học, vừa làm tại huyện Tân Kỳ. Tại đây, bà tiếp tục theo đuổi nghiệp đèn sách. Học hết cấp 3, Thìn về nhà ôn thi đại học. Ngày bà trở lại trường cấp 3 để nhận thẻ dự thi đại học thì dọc đường, xe xuống dốc bị đứt phanh và bà bị tai nạn chấn thương vùng đầu rồi mất trí nhớ.
Do được điều trị kịp thời, chỉ một năm sau bà phục hồi được trí nhớ, nhưng lúc ấy bà thấy tuổi của mình cũng không còn trẻ và sau bà còn có 2 người em ăn học, nên bà quyết định từ bỏ ước mơ theo con đường học vấn. Bà xin về Nông trường An Ngãi (huyện Tân Kỳ) và làm việc ở đó 3 năm. Thời gian này, bà cũng đã trải qua một mối tình với một người bạn trai học cùng khóa. Khi tình cảm chín muồi, họ quyết định tiến tới hôn nhân thì gia đình người yêu của bà kịch liệt phản đối và cuộc tình của hai người đành chấm hết.
Mãi sau này, bà mới lập gia đình với một thợ nề người Huế ít hơn bà 2 tuổi. Hai người quen nhau khi chồng bà đang xây dựng công trình ở thị trấn Đô Lương. Lấy nhau về chưa được bao lâu thì tới năm 1995, chồng bà bị tai nạn lao động rồi qua đời và giữa hai người vẫn chưa thể có với nhau một mụn con. Những lần bà mang thai đều không thể giữ được đứa con của mình. Cả hai lần bà mất đi người đàn ông của đời mình đều vì những lý do đau đớn nhất. Mãi sau này bà mới biết đó chính là hậu quả đớn đau nhất mà chiến tranh vô tình để lại. Chiến tranh đã không cho bà những đứa con lành lặn như mơ ước cháy bỏng bao nhiêu năm qua. Những mơ ước tưởng chừng như đơn giản nhưng với bà thì chúng quá xa vời.
“Là người phụ nữ, ai chẳng ước mong mình sẽ được làm mẹ nhưng tui mô có được diễm phúc ấy, thôi thì trời không thương nên đành phải chịu chứ biết mần răng được”, bà Thìn nghẹn ngào. Nén nỗi đau vào trong, bà đành sống cảnh một mình lẻ bóng từ ngày ấy đến nay và dồn hết tình thương cho những đứa cháu con của em trai mình.
Năm 1987, bà bị bệnh máu khó đông và phải xuống bệnh viện ở Vinh để điều trị. Nằm trên giường bệnh, bà nghĩ rồi mình sẽ chết, không biết có cái gì để lại cho đời nên bà bắt đầu cầm bút. Vốn là người ham đọc sách, lại đam mê văn chương nên từ lúc ngồi trên ghế nhà trường hễ trong làng ai có sách bà đều mượn về đọc cho bằng được. Vì thế, trước khi đổ bệnh, bà Thìn đã đọc được hơn 500 cuốn sách và đa phần là những cuốn văn chương. Trở về thực tại trong buồng bệnh, bà lục lại những ký ức ngày xưa và rồi truyện ngắn “Ánh sao xanh cuối trời” của bà ra đời từ trên giường bệnh. Đây là câu chuyện về một người đánh trống trường bị gù lưng thường hay bị học sinh cùng khóa bà trêu ghẹo nhưng ông không hề bi quan, chán nản mà hằng ngày vẫn cần mẫn với công việc thầm lặng của mình cho những thầy, cô giáo và các cháu học sinh lên lớp đúng giờ.
Truyện ngắn ấy đã được đăng trên Văn nghệ Nghệ Tĩnh (năm 1990) càng giúp bà có thêm động lực để viết và chiến thắng bệnh tật. Không đầy một năm sau, bà đã xuất viện về với gia đình. Khi sức khỏe đã bình phục và qua một người quen giới thiệu, bà ra Hà Nội bắt đầu cuộc sống bằng nghề giúp việc. Thời gian ở đây, bà làm nhiệm vụ chăm sóc cho một cụ bà bằng tuổi mẹ mình. Chủ nhà của bà lúc ấy là một người làm ở đài truyền hình quốc gia, biết bà ham đọc sách nên ông ta thường hay mang sách báo về cho người giúp việc đọc trong lúc rảnh rỗi. Không chỉ vậy, tuy việc chăm sóc người già khá vất vả, bận rộn nhưng bà vẫn dành thời gian để cầm bút. Hai năm ở thuê chăm sóc người già trong gia đình này, bà Thìn đã sáng tác được 3 truyện ngắn đầy ắp tình thương gia đình gồm “Cha ơi”; “Em không trở lại” và “Nỗi lòng của chị”.
Khi có khoảng chục truyện ngắn, bà bắt đầu nghĩ đến chuyện in sách. Trong những năm tháng làm ô sin, ngoài gửi tiền về chăm sóc mẹ già ở quê, bà đã tích góp, dành dụm được một phần rồi cho vào con lợn đất. Ngày đi tìm nhà in cùng với đứa cháu đang học đại học ở Hà Nội, bà đập lợn đất và chỉ có vẻn vẹn 6 triệu đồng. Bà phải năn nỉ mãi mới có nhà in chấp nhận in cho chị 200 cuốn với giá 6 triệu đồng cùng 1,5 triệu đồng tiền làm giấy phép xuất bản. Và cuốn sách “Liều thuốc thần kỳ” do NXB Hội Nhà văn ấn hành gồm 6 truyện ngắn của người ô sin da cam Nguyễn Thị Thìn được ra đời trong bối cảnh ấy. Văn của bà tuy con chữ chưa được tròn trịa về câu chữ, nhưng gây xúc động trong lòng người đọc bởi cách viết mộc mạc của một tâm đã chịu nhiều nỗi đau, tủi buồn.
Chiều buông. Tiễn chúng tôi ra ngõ, bà Thìn bộc bạch: “Giờ tôi đang ấp ủ viết những truyện ngắn về cuộc đời, số phận của những người bạn của mình dù trong đau khổ, bất hạnh họ vẫn vượt qua và vươn lên sống tốt cho gia đình, xã hội. Và biết đâu tôi sẽ viết được cuốn tiểu thuyết về đời mình”.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Hồ Văn Ngợi