Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 8/9 thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Khoản 2 điều 3 dự luật quy định đối tượng chịu bạo lực gia đình bao gồm cả người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi...
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết nội dung này hiện còn ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp vợ chồng đã ly hôn, nam, nữ không hoặc chưa kết hôn vẫn tiếp xúc trong cuộc sống, có nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
"Xuất phát từ nguyên tắc lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói.
![Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Phạm Thắng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/09/08/-9619-1662618614.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aM8ZVjvWjAsxtVacxk3MAQ)
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Phạm Thắng
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Phó đoàn Quảng Bình) lại cho rằng nếu quy định như trên thì sẽ có mâu thuẫn giữa các điều trong luật khi khoản 1 Điều 3 "chỉ xác định hành vi bạo lực gia đình xảy ra trong phạm vi gia đình, giữa các thành viên trong gia đình với nhau". Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định "ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án". Tức là khi ly hôn, mọi quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng cũng đã chấm dứt, chỉ có trách nhiệm cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.
Do đó, nữ đại biểu đề nghị xem xét quy định các hành vi bạo lực gia đình sau ly hôn chỉ áp dụng trong trường hợp quan hệ giữa cha mẹ và con, không áp dụng trong quan hệ giữa vợ và chồng. Các hành vi bạo lực thì tùy theo tính chất, mức độ để xử lý theo các quy định của pháp luật chuyên ngành, như hình sự, vi phạm hành chính, pháp luật về hôn nhân gia đình...
![Đại biểu Nguyễn Minh Tâm. Ảnh: Phạm Thắng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/09/08/-6134-1662618614.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TKltBd600RfIjlSuEHnD7A)
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm. Ảnh: Phạm Thắng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cũng cho rằng theo Luật Hôn nhân và gia đình, ly hôn xong là kết thúc trách nhiệm vợ chồng. Quan hệ sau ly hôn rất phức tạp nên việc áp dụng biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình có thể dẫn đến bất cập. "Nếu đối tượng vẫn tiếp tục đe dọa người đã ly hôn thì chúng ta có thể áp dụng biện pháp bảo vệ, như cách ly, lệnh cấm tiếp xúc để bảo vệ nạn nhân", đại biểu tỉnh Mai đề nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Đình Thanh (Phó đoàn Kon Tum) nói việc đưa người ly hôn vào phạm vi điều chỉnh của luật chưa thống nhất với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu người đã ly hôn có hành vi xâm phạm thân thể, danh dự là vi phạm quy định của pháp luật hành chính hoặc pháp luật hình sự thì phải bị xử lý bằng luật tương ứng.
Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV hồi tháng 5, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 khai mạc tháng 10.