Cơn mưa đầu mùa làm con đường đất đỏ từ trung tâm xã vùng cao Ba Vinh (Ba Tơ) lên thôn Nước Lá trở nên lầy lội, trơn trượt. Dù vậy, Roy Mike Boehm vẫn lội bộ để kịp bàn giao ngôi nhà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam Phạm Văn Thí từ số tiền mà ông cùng Tổ chức Madison Quakers, Inc vận động những cựu chiến binh Mỹ quyên góp.
Ôm chầm Mike khi ông vừa chạm ngõ, bà Yêu (mẹ Thí) dắt ông vào ngôi nhà mới, đôi mắt bà ngấn lệ không nói nên lời. Cũng phải thôi, gần 25 năm, đứa con trai nhiễm chất độc da cam đã phải vật vã chống chọi cơn đau dưới nền đất, giờ được nằm trong ngôi nhà cấp bốn, nền láng ximăng mà bà thấy ấm lòng. Người đàn bà dân tộc H’Re sau một hồi xúc động, cầm tay Mike nói: “Dù không gì bù đắp được nhưng việc làm của ông đã làm cả nhà mình vui lên hơn”.
Cũng gánh chịu nỗi đau da cam trong suốt 25 năm qua, Huỳnh Văn Tèo (ở thôn Nhơn Phước, xã Phổ Nhơn, Đức Phổ) đón Mike trong ngày được về nhà mới với giọng cười nghe nhói lòng. Đôi chân run bần bật từng hồi, nhưng Tèo vẫn cố đứng vững khi Mike đến nhà.
Miệt mài hàn gắn vết thương
Trở về Mỹ sau chiến tranh vào năm 1969, Mike cảm thấy mình bị chính quyền và cả gia đình lừa dối. Nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh mà Mike cho là phi nghĩa cứ khắc khoải trong tâm trí người cựu chiến binh Mỹ này. Để rồi sau những tháng ngày đấu tranh với chính mình, Mike quyết trở lại VN.
Năm 1992, một bước ngoặt trong cuộc đời Mike khi ông trở lại VN lần thứ hai. “Là cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại VN nên tâm trạng tôi đầy lo lắng trước chuyến đi này, nhưng gánh nặng tâm lý phần nào được trút bỏ ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi tôi tận mắt thấy những nhân viên an ninh VN tận tình dìu người bạn bị cụt chân (cũng là cựu chiến binh Mỹ) đưa ra tiền sảnh của sân bay an toàn”, Mike xúc động kể lại.
Mike thăm gia đình nạn nhân Phạm Văn Thí (Ba Vinh, Ba Tơ). Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Phá bỏ mặc cảm, sau khi thăm lại Củ Chi (TP HCM), nơi Mike đóng quân, ông cùng những người cựu chiến binh trong đoàn góp tiền ủng hộ xây dựng một trạm xá ở Đồng Nai. Rồi ông tách đoàn tìm về Sơn Mỹ như một sự run rủi để kéo đàn vĩ cầm tạ lỗi với những người dân thường bị quân đội Mỹ thảm sát.
Chứng kiến cuộc sống gian khó của vùng đất này, Mike quyết định gắn bó với Quảng Ngãi. Kể từ đó, trong suốt 15 năm qua, Mike cứ như con thoi bay qua bay lại nửa vòng trái đất để làm những phần việc mà theo ông, là để góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.
Trong ba tháng cuối năm ngoái, Mike một mình trên chiếc xe cũ kỹ đi dọc 13 bang của Mỹ với quãng đường trên 35.000 km để vận động người Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của Hội Nạn nhân chất độc da cam VN.
Hưởng ứng vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam tại Mỹ tháng 6 vừa qua, Mike đứng trong hàng ngũ những người dân Mỹ xuống đường tuần hành yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường cho nạn nhân. Ông nhiệt tình vì VN đến nỗi bất đồng quan điểm với những người trong gia đình.
Dẫu vậy, với “người Mỹ trầm lặng” 60 tuổi này, “cuộc đời còn lại sẽ là những tháng ngày gắn bó với VN và tiếp tục đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam”, Mike quả quyết.
(Theo Tuổi Trẻ)