
Trước khi bước lên tòa giải tội, giáo dân quỳ gối xét mình về những tội đã phạm. Ảnh: Nguyễn Đông.
Bước vào thánh đường giáo xứ Bến Ngự (67 Phan Đình Phùng, TP Huế, Thừa Thiên Huế), bà Ngọc giữ im lặng, quỳ gối hồi lâu trước bàn thờ xét mình lần cuối và xếp hàng chờ đến lượt lên tòa giải tội. Nhiều giáo dân trong xứ đạo cũng đến nhà thờ như bà Ngọc, theo lịch đã được cha quản xứ thông báo.
Bà Ngọc chia sẻ: "Là con người ai cũng bất toàn. Tôi thi thoảng ghét người này, giận người kia, hoặc có lời lẽ xúc phạm những người xung quanh. Khi xét thấy làm như thế là sai, tôi đến đây để xưng tội lỗi của mình".
Để giải tội hết cho khoảng 400 người, giáo xứ Bến Ngự đã mời năm cha Dòng Thánh Tâm ngồi tòa. Tòa được làm bằng gỗ, có một vách ngăn bằng vải để linh mục và giáo dân có thể nghe được tiếng của nhau. Thời gian xưng tội của mỗi người khoảng 2-5 phút.
Trong đức tin Công giáo, Chúa Giê su có quyền tha tội và chia sẻ quyền ấy cho Giáo hội, thông qua các linh mục. Theo giáo luật, người Công giáo đã được học giáo lý và sau khi xưng tội (còn gọi là bí tích hòa giải, hay sám hối) lần đầu thì mỗi năm phải đến tòa xưng tội ít nhất một lần.

Giáo dân đến tòa xưng tội với linh mục để chuẩn bị tâm hồn trong sạch trước đại lễ Giáng sinh. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trước Giáng sinh, ngoài việc lo trang hoàng nhà cửa, làm thêm tiểu cảnh hang đá hay lắp đèn ông sao, người Công giáo như bà Ngọc chuẩn bị tâm hồn trong sạch đón tin mừng Chúa Giê su hài đồng xuống trần gian cứu độ con người.
Người Công giáo phải xét mình về những tội đã phạm, như: bỏ đọc kinh sớm tối, bỏ lễ ngày chủ nhật, mê tín dị đoan; chửi bậy, cãi nhau, trộm cắp, phá thai, ngoại tình, ăn chơi truỵ lạc, có những ước muốn tà dâm...
Sau khi giáo dân xưng tội, linh mục sẽ khuyên răn, ra điều kiện đền tội (tùy thuộc vào tội giáo dân đó đã phạm, có thể là đọc kinh, đi xin lỗi người mình đã xúc phạm...) và đọc lời tha tội. Nhưng để được tha tội, giáo dân phải đền tội và tuyệt đối dốc lòng sửa chữa.
Trong lễ Giáng sinh, các giáo dân sẽ lãnh một ơn Đại xá (ơn tha hết mọi hình phạt) với điều kiện phải xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng. "Năm nay tôi sẽ dành ơn đại xá cho những linh hồn mồ côi", bà Ngọc nói.
Têrêsa Thảo Nguyên (học sinh lớp 12) cho biết cảm thấy tinh thần thoải mái hơn sau khi đã làm việc đền tội. "Trước đây em rất hay chửi bậy. Mỗi lần đến tòa giải tội, em quyết tâm không lặp lại thói quen xấu nữa", Nguyên nói.
Còn Gioan Ngô Minh Quân (học sinh lớp 7) trước đây hay nói tục, đánh nhau, lấy đồ của các bạn. "Cha đã khuyên em nên sửa đổi những nết xấu và yêu cầu đền tội bằng việc đền trả những vật mình đã lấy", Quân chia sẻ.

Bà Têrêsa Hoàng Thị Ngọc đọc kinh đền tội và cầu nguyện với một vị thánh. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo Cha Giuse Trần Văn Thiện (Dòng Thánh Tâm), về nguyên tắc khi ngồi tòa giải tội, linh mục tuyệt đối giữ kín và không được nhớ tội của giáo dân. Giải tội xong, linh mục dành thời gian cầu nguyện và dâng những tội đó lên cho Chúa.
Trước khi được truyền chức linh mục, các tu sĩ được đào tạo bài bản về bí tích hòa giải, với 60 tiết học lý thuyết và thực hành. Nếu giáo dân phạm tội trọng mà linh mục chưa rõ hết về luân lý thì phải dừng việc giải tội cho người đó để nghiên cứu thêm.
Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Hà (Tổng Giáo phận Huế), cho biết ở nhiều tôn giáo khác cũng có đời sống sám hối, ăn năn, nhưng không cần đi xưng tội. Riêng đạo Công giáo đòi hỏi giáo dân phải tiến thêm một bước nữa, là tới tòa giải tội để xưng thú những tội lỗi mình đã phạm với linh mục.
"Trong đức tin, giáo dân tin rằng khi nói ra những tội mình phạm với linh mục thì linh mục là người đại diện cho Chúa đưa ra những lời khuyên chân thành và ban ơn tha thứ. Từ đó họ thêm thức tỉnh thay đổi con người để cuộc sống của mình bình an và hạnh phúc hơn", cha Hà nói.
Xưng tội là dịp mỗi người nhìn lại chính đời sống của mình. Còn việc thay đổi hành vi phụ thuộc vào quyết tâm của mỗi người. "Đạo dạy con người phải biết yêu thương. Khi có một tâm hồn trong sạch thì mỗi người sẽ dễ mở lòng mình ra để yêu thương, tha thứ, chia sẻ với người khác", cha Hà nói thêm.
Theo Thánh kinh, từ khởi nguyên của vũ trụ, Thiên Chúa tạo dựng con người, ban cho vườn Địa Đàng và mong muốn con người được sống hạnh phúc, trong đó có Adam và Eva. Cùng với tạo dựng, Thiên Chúa cho con người được tự do lựa chọn hành vi của mình.
Vì con người đã chọn con đường tội lỗi nên tự chuốc lấy án phạt là bị loại ra khỏi vườn Địa Đàng, đánh mất cuộc sống hạnh phúc vốn có. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người nên đã lập ra kế hoạch cứu độ bằng việc sai ngôi Hai xuống thế làm người 2.000 năm trước tại làng Bê lem (nước Do Thái).
Trong Công giáo có hai đại lễ là Giáng sinh (tưởng nhớ Chúa Giê su sinh ra) và Phục sinh (Chúa Giê su sống lại). Về ý nghĩa, lễ Phục sinh quan trọng hơn. Nhưng về cách thể hiện thì Giáng sinh được trang trí tưng bừng và rộn ràng hơn.