Thứ tư, 16/4/2025
Thứ hai, 14/4/2025, 10:25 (GMT+7)

Người Công giáo tái hiện cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

Đà NẵngTrong Tuần Thánh, người Công giáo đã tái hiện câu chuyện Chúa Giêsu từ lúc được dân thành Giêrusalem tung hô "làm Vua" đến khi bị đóng đinh đến chết trên thập giá.

Tối 13/4, Giáo xứ Chính Trạch (Giáo phận Đà Nẵng) tổ chức Diễn nguyện Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu trong Tuần Thánh - tuần lễ quan trọng nhất năm phụng vụ, tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Ngài.

Mở đầu diễn nguyện là cảnh Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem như một vị vua khải hoàn, được dân chúng tung hô, cầm cành lá đón chào. Tuy nhiên, Ngài chọn thái độ khiêm nhường, cưỡi lừa như một mục tử hiền lành, thay vì cưỡi ngựa chiến.

Sự hiện diện và lời giảng dạy của Chúa khiến giới lãnh đạo Do Thái lo ngại. Họ cáo buộc Ngài tự xưng là Con Thiên Chúa, là Vua dân Do Thái - mối đe dọa với quyền lực Rôma - và lên kế hoạch bắt, giết Ngài.

Cuộc Thương Khó bắt đầu khi ma quỷ xúi giục Giuđa Iscariô - một trong 12 môn đệ - toan tính nộp Thầy Giêsu. Giuđa đến gặp các lãnh đạo Do Thái, thỏa thuận: "Tôi nộp ông ấy, quý vị cho tôi bao nhiêu?" và nhận 30 đồng bạc.

Giuđa hứa ra dấu hiệu để nhận diện: "Tôi ôm ai thì chính là Người". Kế hoạch bắt Chúa được thực hiện. Việc phản bội này ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Người bạn thân cùng chia cơm sẻ bánh, nay giơ gót đạp con".

Trước lễ Vượt Qua - lễ quan trọng nhất của người Do Thái - biết giờ ly biệt đã đến, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ như dấu chỉ yêu thương và khiêm nhường. Ngài cởi áo, đổ nước vào chậu, rửa và lau chân từng người, dù biết sẽ có người phản bội.

Chúa nói: "Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau", dạy các môn đệ phục vụ và yêu thương nhau như chính Ngài đã nêu gương.

Trong bữa Tiệc Ly tối thứ Năm, Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Ngài cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: "Này là Mình Thầy...". Rồi Ngài cầm chén rượu và nói: "Này là Máu Thầy, máu giao ước mới...".

Hành động này ứng nghiệm lời hứa trước đó của Chúa: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời".

Từ đó, Bí tích Thánh Thể trở thành trung tâm của Thánh lễ. Đến nay, các linh mục vẫn tiếp tục cử hành và trao Bánh Thánh cho tín hữu, như dấu chỉ sự hiện diện sống động của Chúa Kitô.

Sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đến vườn Giêtsêmani, dưới chân núi Ôliu, để cầu nguyện. Ngài đau buồn và lo lắng tột độ, trong khi các môn đệ thiếp ngủ, không thể canh thức cùng Thầy. Trong bóng tối, ma quỷ lảng vảng, gieo thêm nỗi sợ và thử thách.

Chúa quỳ gối thưa cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha". Ngài đón nhận Thánh ý với lòng vâng phục tuyệt đối, dù biết phía trước là đau khổ và thập giá.

Ba lần trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, Chúa nhẹ nhàng đánh thức và nói: "Dậy đi, chúng ta hãy đi! Này, kẻ phản Thầy đã đến gần".

Chúa Giêsu bị trói vào cột đá, chịu roi da quất tàn bạo từ lính Rôma. Trên mỗi dây roi gắn vật sắc nhọn, khiến mỗi làn roi quất xuống xé toạc da thịt. Màn tra tấn dã man ban đầu khiến đám đông phấn khích, la hét, nhưng rồi nhiều người phải quay mặt đi, không nỡ nhìn cảnh tượng đau đớn ấy.

Trên đường chịu hành hình lên đồi Canvê, giữa đám đông hỗn loạn và binh lính áp giải, Chúa Giêsu mang cây thập giá nặng nề, thân thể rướm máu (giáo dân dùng phẩm màu tái hiện) và gương mặt đầy đau đớn.

Một phụ nữ tên Veronica, với lòng can đảm và tình thương, vượt qua đám đông, tiến đến lau mặt Chúa bằng một tấm khăn. Kỳ diệu thay, hình ảnh gương mặt Chúa đã in lên tấm khăn đó.

Hành động đầy yêu thương và can đảm này được Giáo hội tôn kính, và tấm khăn truyền thống cho là của Veronica hiện được lưu giữ tại Vatican như một thánh tích thiêng liêng.

Dù thân thể rớm máu và đau đớn, Chúa Giêsu vẫn bị quân lính thúc ép tiến lên đồi Canvê, không ngừng bị đánh đập và hối thúc. Ngài nhiều lần ngã quỵ, sức lực cạn kiệt giữa đám đông lạnh lùng.

Thấy Ngài kiệt sức, quân lính bắt một người qua đường tên là Simon thành Kyrênê giúp Chúa vác thập giá một đoạn. Khi đến đỉnh đồi, dù thân xác tàn tạ, Chúa Giêsu vẫn gắng gượng bước lên thập giá, phó mình cho cuộc hành hình.

Nguyễn Đông