![Một người phụ nữ đi trên nóc một ngôi nhà sụp đổ sau động đất và sóng thần ở Balaroa, Palu hôm 7/10. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/10/11/5bba7b09eefc7-image-3864-1539223999.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=p91-YkpwMroRofnpTU2wOA)
Một người phụ nữ đi trên nóc một ngôi nhà sụp đổ sau động đất và sóng thần ở Balaroa, Palu hôm 7/10. Ảnh: AP.
Ade Irmayanti, 33 tuổi, "đã tan nát cõi lòng" khi nghe tin chính quyền chính thức thông báo dừng tìm kiếm hôm 4/10, nhưng cô vẫn tiếp tục tìm kiếm đứa cháu trai 6 tuổi Muhammad Gibran mất tích ở Palu sau thảm họa động đất - sóng thần, theo Guardian.
"Tôi đã tới từng bệnh viện, từng khu trú ẩn ở Palu và ngoại ô", Irmayanti tâm sự. "Tôi không biết mình đã đến tìm kiếm ở bao nhiêu nơi, có lẽ là hàng trăm. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm thằng bé, bằng búa và cuốc".
Làng Balaroa nằm trên vùng đồi núi ở Palu. Khi động đất xảy ra, Gibran và anh họ Shadan 7 tuổi nói với bà nội rằng chúng chạy tới một cửa hàng gần nhà mua đồ ăn vặt. Đó là lần cuối gia đình nhìn thấy hai cậu bé. Kể từ đó, ngày nào họ cũng mang ảnh Gibran mặc đồng phục đỏ và trắng đi tìm khắp thành phố.
Trong khi Irmayanti đến từng nơi trú ẩn cho hơn 82.000 người sau thảm họa, bố của Gibran đi cùng nhóm tìm kiếm và cứu hộ quanh làng, chỉ đạo một máy xúc dời đống bê tông đổ nát ra chỗ khác, nơi ông tin rằng có thể phía dưới là xác con trai.
Họ vẫn không có tin tức về Sahdan, nhưng gia đình lại dấy lên hy vọng khi mới nhận được thông báo rằng Gibran có thể đã được sơ tán tới thành phố phía nam Makassar.
Cơ quan thiên tai quốc gia Indonesia quyết định dừng tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn, vì lo ngại dịch bệnh lây lan cùng khó khăn khi phải đào bới thi thể khỏi bùn đất và đống đổ nát.
Ở những khu vực như Petobo và Balaroa, hơn 3.500 ngôi nhà bị phá hủy. Đất đai khu vực này hóa lỏng, nuốt chửng toàn bộ ngôi làng Petobo vào lòng đất. Kết cấu đất bất ổn và đống đổ nát càng tồi tệ hơn bởi dư chấn liên tục, khiến công việc của đội cứu hộ trở thành nhiệm vụ nguy hiểm. Chính quyền Indonesia cho biết các khu vực bị thiên tai xóa sổ sẽ được xây dựng thành công viên và đài tưởng niệm.
Sóng thần biến Palu thành biển nước trong vài giây. Video: Instagram.
Trận động đất mạnh 7,5 độ hôm 28/9 đã kích hoạt sóng thần cao 6 m tràn vào thành phố Palu và thị trấn Donggala, tỉnh Trung Sulawesi. Phần lớn số người chết ở Palu, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau thảm họa kép.
Hồi đầu tuần, cơ quan thiên tai quốc gia cho hay dựa theo báo cáo từ các trưởng làng ở địa phương, số người mất tích ở Petobo và Balaroa lên tới 5.000. Con số này chưa được đưa vào số liệu chính thức. Chính quyền đang tập trung vào công tác cứu trợ, đảm bảo hàng nghìn người được di tản và cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho những người bị thương.
Vượt qua nỗi đau, Irmayanti cho hay gia đình không thể nghĩ xa hơn vào lúc này. Bây giờ họ ưu tiên tìm thấy Gibran, dù còn sống hay đã chết. "Chúng tôi muốn có câu trả lời chắc chắn. Nếu Gibran còn sống, chúng tôi phải biết cháu đang ở đâu. Nếu đã chết, chúng tôi phải nhìn thấy xác cháu".