Gà vốn là con vật gần gũi với người Việt từ xa xưa. Với người Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn hùng vỹ, Atứch (gà) được xem là con vật linh thiêng bởi có khả năng biết được thời gian sáng tối, mưa nắng, gọi mặt trời thức dậy bằng tiếng gáy. Con người khi chưa có đồng hồ thì nhận biết thời gian nhờ vào tiếng gà gáy.
Họ quan niệm loài vật này có vẻ đẹp từ màu lông đến mào, đôi chân, cặp mắt nên thần linh rất thích và thường nhập vào gà để giúp đỡ dân làng. Từ đó, trong các mâm cúng từ làm nhà, cưới xin đến các lễ hội như Tắc T’rí (đâm trâu), Cha haroo t’mêê (ăn lúa mới), Đông t’mêê (nhà mới)… gà là lễ vật không thể thiếu, tốt nhất là gà trống.
Trong điêu khắc, hội họa, kiến trúc, "con vật thiêng" này cũng luôn xuất hiện. Trên đầu hồi nhà Gươl-linh hồn của người Cơ Tu, đều có biểu tượng 2 chú gà trống đặt đối xứng nhau. "Đó là biểu tượng cho uy lực, cho khát vọng vươn cao của dân làng để có cuộc sống ấm no", già làng Briu Nga ở thôn Aliêng, xã Ating (huyện Đông Giang, Quảng Nam) nói.
Bắt đầu lễ hội đâm trâu-một trong những tín ngưỡng thần linh quan trọng của người Cơ Tu, người dân cắt tiết gà trống hòa với rượu để xin phép được đâm trâu cúng thần linh. Khi trâu chết, người dân mang gà đến chia phần cho trâu với ý nghĩa để thay lời cảm ơn trâu đã chết vì dân làng.
Nghi lễ sau cùng là tung gà lên cây Nêu dùng để cột trâu. Theo già làng Nga, người Cơ Tu tin cây Nêu là nơi thần linh trú ngự. Khi tung gà lên, con vật nằm trọn trong đỉnh Nêu là điềm tốt và may mắn cho dân làng, còn nếu không trúng đỉnh là điềm xấu, thần linh đang quả trách nên dân phải soi xét lại chính mình. Từ đó, họ răn đe nhau sống tốt hơn, chăm chỉ lao động...
Người Cơ Tu còn tin rằng thần linh, con ma nhập vào gà trống là thần linh, con ma tốt, luôn giúp đỡ dân làng. Khi dựng cổng làng, họ tạc tượng gà và đặt ở vị trí cao nhất để bày tỏ sự kính trọng, biết ơn, mong được "thần linh trong hồn gà" chở che cho cả làng.
Tục dùng trứng gà phân xử, chọn đất
Những bản làng người Cơ Tu quần cư ở Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) vẫn còn lưu truyền câu chuyện người dân dùng gà để phân xử chuyện đúng sai, giải quyết mâu thuẫn, hiểu lầm. Mỗi khi hai gia đình, hai anh em, hàng xóm tranh cãi, to tiếng với nhau hay có người bị nghi ăn cắp, ăn trộm họ lại nhờ đến gà làm "thẩm phán".
Người làng khi đó sẽ chọn một con gà để cúng thần linh rồi đưa gà ra chặt đầu. Nếu đầu gà rơi về bên nào thì bên đó đúng. Vì tin đây là con vật được thần linh nhập vào, thần linh phán thế nào dân làng sẽ nghe và tin gần như tuyệt đối. Ông Briu Liếc, Bí thư huyện Tây Giang cho biết đây là hủ tục, đến nay đã được xóa bỏ để tránh oan sai.
Trước đây trong lễ cưới, thầy bói dùng phần đầu của con gà cúng đã làm thịt để xem hôn nhân có hòa hợp hay không. Sau khi lột bỏ phần da và mắt của gà, thầy bói nhìn lỗ thông ở hốc mắt gà. Nếu lỗ thông to thì đó là điềm tốt. Còn nếu không có lỗ thông hoặc lỗ hẹp thì người làng tin đó là điềm xấu, đám cưới có thể phải hủy bỏ. Tuy nhiên ngày nay nhận thức tiến bộ, gái trai tự tìm đến với nhau nên việc xem bói bằng đầu gà để quyết định hôn nhân đã bị bãi bỏ.
Trong khi bỏ những hủ tục nói trên, người Cơ Tu vẫn giữ lại thói quen dùng trứng gà chọn đất. Già làng Briu Pố (thôn A Rớt, xã Lăng, huyện Tây Giang) cho biết, khi dựng nhà hay làm nương rẫy ở một địa điểm mới, người Cơ Tu dùng một quả trứng gà để cúng thần linh. Họ lấy quả trứng gà sống cắt đi một phần, sau đó đặt ở một vị trí cân bằng nhất. Người dân sẽ khấn xin rồi đốt quả trứng lên.
"Họ thường khấn xin rằng, con gà mày biết trời nắng, trời mưa, biết sáng, biết tối. Bên phần đất kia là ma quỷ, bên đây là chúng tôi. Nếu nơi này là đất lành thì khi trứng sôi xin đổ về phía của ma quỷ, còn nếu đất xấu thì xin đổ về phía chúng tôi", già làng Pố thuật lại và cho biết trường hợp trứng gà đổ về phía mình, người dân thường không chọn khu đất đó vì cho rằng làm "trái ý" trứng gà sẽ gặp rủi ro, chết chóc.
Là người tiên phong trong việc xóa nhiều hủ tục cho đồng bào, già làng Pố cho rằng tục cúng đất này mang lại ý nghĩa về tinh thần cho người Cơ Tu cũng tương tự như người dưới xuôi khi xây nhà thường chọn hướng.
"Khi tin mảnh đất mình làm nhà, làm nương rẫy đã được thần linh chọn, giúp đỡ thì người dân hăng hái bắt tay vào công việc. Và nhờ việc họ chăm chỉ hơn trong lao động mà năng suất từ đó cũng được tăng lên. Đó là cái lợi lớn nhất từ việc dùng trứng gà làm phép thử", già làng Pố nói.
Theo ông, chính niềm tin vào thần linh mà người Cơ Tu ở Tây Giang giữ được cánh rừng Pơ Mu giáp biên giới Việt-Lào vừa được công nhận là rừng cây di sản, với nhiều cây cổ thụ quý hiếm. Ông kể, từ xa xưa, người làng tin có giàng, có thần linh trú ngụ trên những cây Pơ Mu to lớn. Họ không dám đốt hay chặt phá để làm nương rẫy mà thay vào đó đã cùng nhau bảo vệ, giữ gìn.
Nguyễn Đông