Tên sách: Người cô độc
Tác giả: Christopher Isherwood
Dịch giả: Trần Nguyên
NXB Hội Nhà văn và Youth Books
Khi Người cô độc được xuất bản lần đầu tiên năm 1964, nó đã gây ra một cơn chấn động ở Mỹ bởi bức chân dung sinh động của một người trung niên đồng tính, chân thực và cảm động. Nó được nhà văn Edmund White đánh giá là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và hay nhất về sự vận động giải phóng nhân quyền của người đồng tính hiện đại. Tác phẩm này được Anthony Burgess xếp vào 99 tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh hay nhất kể từ năm 1939. Cuốn sách cũng được chuyển thể thành phim, với sự tham gia của Colin Firth - người được đề cử giải Oscar ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn này - cùng nữ minh tinh Julianne Moore.

Nhưng Người cô độc không bị giới hạn trong khuôn khổ văn học đồng tính. Nó đã vươn xa hơn thế: đi tìm căn nguyên của lẽ sống và sự tồn tại.
Cuốn sách kể về George là một giáo sư người Anh. Ông cùng với người bạn đời - Jim - chung sống suốt 16 năm tại một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Nam California. Tách biệt nhưng bình yên, hai người đàn ông cùng nhau chia sẻ những vui buồn và nuôi dưỡng tình yêu của mình, mặc cho những định kiến của người đời dành cho tình yêu đồng giới. Họ bị người đời xem là quái vật, là những kẻ có thân phận tàn ác, và con nít bị cấm lại gần họ, chỉ vì họ yêu nhau.
Nhưng rồi một ngày Jim đột ngột ra đi và George một mình vật lộn với nỗi cô đơn trong cuộc sống. Những hoạt động vô cùng bình thường của một ngày, như thức dậy, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, giảng dạy, trò chuyện với sinh viên, với George bỗng trở nên xa lạ và chán chường. Cảnh vật xung quanh nhà, ông hàng xóm Strunk tàn độc, những đứa trẻ trong xóm, sinh viên trên giảng đường, những món ăn ngon, tất cả như thuộc về một thế giới khác và George chỉ có thể đứng nhìn từ xa.

Ngay cả hai người thân thiết nhất với ông là cô bạn già Charlotte và cậu sinh viên Kenny cũng không thể gợi lên cho ông niềm vui. Ông vẫn sống, vẫn hít thở, vẫn làm việc và cười nói như bao người. Thế nhưng, dường như ông cảm thấy mình như không còn tồn tại. Và khi một ngày chuẩn bị qua đi, trên giường ngủ, với cô đơn phủ chụp lên người, trí óc ông trở về ngày xưa khi lần đầu tiên ông trông thấy Jim, là khi ông phát hiện mình không phải là kẻ cô đơn duy nhất trên thế giới này.
"Sau khi ngày dài đã hết, đã đầu hàng trước màn đêm đến cùng những cơn triều cường giận dữ. Cũng như nước biển đang cuồn cuộn trào dâng đem bóng tối đến cho các hồ đá đó, George và những người khác chìm trong giấc ngủ dưới những con sóng đời vồ vập. Sự ý thức không phải là riêng ai nhưng lại chứa đựng tất cả mọi người, mọi chuyện, quá khứ, hiện tại và tương lai, cứ kéo dài miên man dưới bầu trời đêm đầy sao." (Trích "Người cô độc")
Giờ đây đồng tính không còn là chủ đề lạ lẫm, người đồng tính không còn là "thiểu số, vô hình vô dạng", tính thời sự trong Người cô độc không còn như vào năm 1964. Nhưng giá trị văn học của nó vẫn còn mãi bởi thông điệp nhân văn về quyền con người, về ý nghĩa của sự sống và tình yêu hàm chứa trong từng trang sách.
Dương Long