Theo Guaradian, vào đầu thế kỷ 20, giới khảo cổ học phát hiện một khu nghĩa trang đặc biệt gọi là Tophet tại vùng ngoại ô Carthage, Tunisia và nhiều địa điểm khác của người Carthaginian ở Sicily và Sardinia. Ngôi mộ chứa những bình đựng tro cốt hỏa táng nằm bên dưới tấm bia tạ ơn các vị thần. Một trong số nét chạm khắc trên tấm bia được hiểu là linh mục đang ẵm trẻ nhỏ.
Các nhà truyền giáo Hy Lạp và La Mã cổ đại cho rằng, người Carthaginian giết con đẻ, chôn chúng cùng với động vật hiến tế tại khu nghĩa trang đặc biệt để tỏ lòng biết ơn đối với thần linh. Kinh thánh mô tả lễ hiến tế trẻ em cho vị thần Baal, vốn được tôn thờ trong nền văn minh Carthage. Một nghiên cứu gần đây cho rằng điều này là đúng sự thật.
"Vấn đề trên bị xem là tuyên truyền xấu, bởi vì thời hiện đại người ta không muốn tin nó," Josephine Quinn, giảng viên lịch sử cổ đại thuộc Đại học Oxford, Anh, người đề xuất nghiên cứu cho hay.
"Khi liên kết tất cả bằng chứng khảo cổ, cổ tự và văn học với nhau thì nó quá áp đảo. Chúng tôi có cơ sở để kết luận họ đã giết con đẻ. Dựa trên chữ viết ghi trên bia mộ, đây không chỉ là vật hiến tế để được thần linh ban phước, mà còn là lời cam kết trả ơn trước."
"Hiến tế trẻ em không phải sự kiện thông thường. Hỏa táng là nghi lễ chôn cất chỉ xảy ra trong tầng lớp quý tộc vì nó rất tốn kém. Hỏa táng thậm chí còn được xem như hành động công ích vì cả cộng đồng," Quinn nói.
Quinn và một nhóm khảo cổ học, sử học người Italy và Hà Lan công bố phát hiện của họ trên tạp chí Antiquity năm ngoái, bác bỏ giả thuyết trước đó cho rằng, bình đựng tro cốt thai lưu hoặc trẻ sơ sinh thể hiện lòng tiếc thương của người Carthaginian cổ đại.
Mặc dù có hàng trăm hài cốt được tìm thấy, nhưng chừng đó là quá ít để đại diện cho tất cả trường hợp trẻ sơ sinh tử vong và thai chết lưu ở Carthage. Theo Quinn, mỗi năm sẽ có khoảng 25 ngôi mộ như vậy đối với một thành phố 500.000 người.
Những câu khắc trên bia mộ rất rõ ràng. Nhiều lần các nhà nghiên cứu tìm thấy lời giải thích trên đó nói rằng "thần linh nghe thấy giọng nói của tôi và ban phước cho tôi". Ngoài ra, khu nghĩa trang còn có những con vật được chôn cất giống nhau, đôi khi trong bình đựng tro cốt cùng với xương trẻ em.
Nhà sử học La Mã Diodorus cho biết, một số người mua trẻ em từ người nghèo và nuôi chúng để làm vật hiến tế, bởi vì họ không muốn hy sinh đứa con của chính mình.
Quinn cho biết nhiều đồng nghiệp bị choáng váng trước kết quả nghiên cứu này. "Cảm giác những điều cấm kỵ đang bị phá vỡ rất mạnh. Khi hỏi về việc tôi đang nghiên cứu, đồng nghiệp thường bị sốc, tỏ vẻ kinh hoàng và nói, 'Ôi không, không thể nào có chuyện đó, chắc cô sai rồi."
"Chúng ta thích nghĩ rằng chúng ta rất gần với thế giới cổ đại - rằng họ thực sự giống chúng ta. Tôi e là sự thực không phải vậy, họ rất khác chúng ta," Quinn kết luận.
Lê Hùng