Bằng chứng từ xương tìm thấy ở một trong những di chỉ hóa thạch quan trọng nhất thế giới chỉ ra tổ tiên loài người có thể đối phó với thời tiết lạnh cực hạn cách đây hàng trăm nghìn năm bằng cách ngủ đông. Các nhà khoa học cho rằng những dấu hiệu tổn thương ở xương hóa thạch của người cổ đại giống như dấu vết trên xương nhiều loài động vật ngủ đông. Điều này chứng tỏ tổ tiên chúng ta vượt qua môi trường khắc nghiệt bằng cách giảm tốc độ trao đổi chất và ngủ suốt nhiều tháng.
Kết luận này dựa trên những đợt khai quật ở hang động mang tên Sima de los Huesos tại vùng đô thị Atapuerca, gần tỉnh Burgos phía bắc Tây Ban Nha. Trong ba thập kỷ qua, hài cốt hóa thạch của hàng chục người cổ đại được tách ra từ lớp trầm tích ở đáy vách cao 15 m giữa miệng hố tại Atapuerca. Hang động giống như một ngôi mộ tập thể. Các nhà nghiên cứu phát hiện hàng nghìn chiếc răng và mẩu xương dường như bị trút xuống đó. Những hóa thạch này có niên đại hơn 400.000 năm và có thể đến từ người Neanderthal hoặc tổ tiên của họ.
Sima de los Huesos là một trong những kho báu lớn nhất đối với các nhà cổ sinh vật học, cung cấp hiểu biết quan trọng về quá trình tiến hóa của con người ở châu Âu. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí L’Anthropologie, Juan-Luis Arsuaga, trưởng nhóm nghiên cứu phụ trách khai quật tại di chỉ và nhà khoa học Antonis Bartsiokas ở Đại học Democritus ở Thrace, Hy Lạp, cho rằng hóa thạch trong hang cho thấy sự tăng trưởng xương bị gián đoạn vài tháng mỗi năm. Họ suy đoán người cổ đại trải qua trạng thái trao đổi chất giúp họ sống sót trong thời gian dài giữa điều kiện lạnh giá với nguồn thức ăn hạn chế và chất béo dự trữ trong cơ thể. Họ ngủ đông, dẫn tới tình trạng gián đoạn phát triển xương.
Nhóm tác giả nghiên cứu thừa nhận giả thuyết "nghe giống khoa học viễn tưởng" nhưng họ nhấn mạnh nhiều động vật có vú bao gồm linh trưởng như galago và vượn cáo cũng làm vậy. Dấu vết tổn thương trên xương người ở hang động Sima tương tự tổn thương ở xương động vật có vú ngủ đông, bao gồm gấu hang động. Theo các nhà nghiên cứu, chiến thuật ngủ đông là giải pháp duy nhất giúp chúng sống sót trong điều kiện lạnh cực hạn.
Chris Stringer, nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, chỉ ra động vật có vú lớn như gấu không thực sự ngủ đông bởi cơ thể to lớn của chúng không thể giảm xuống nhiệt độ đủ thấp. Thay vào đó, chúng tiến vào giấc ngủ kém sâu hơn gọi là torpor. "Tuy nhiên, giả thuyết mới khá thú vị và có thể được kiểm nghiệm bằng cách kiểm tra hệ gene của người Sima, Neanderthal và Denisovan để tìm dấu hiện thay đổi về mặt di truyền gắn liền với điều kiện sinh lý khi ngủ đông", Stringer cho biết.
An Khang (Theo Guardian)