Với trường hợp bằng lái có dấu bấm lần thứ 3 thì 12 tháng sau lái xe mới được sát hạch lại (cả lý thuyết và thực hành). Hồ sơ thủ tục gồm: đơn đề nghị sát hạch lại để đổi giấy phép lái xe, giấy chứng nhận sức khỏe, 3 ảnh màu 3x4 cm, bản photocopy giấy phép bị bấm lỗ và bản photocopy giấy chứng minh nhân dân. Thời gian thi lại không quá 1 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Giấy phép lái xe mới sẽ được trao chậm nhất là 15 ngày sau khi có quyết định công nhận trúng tuyển.
Cũng theo văn bản hướng dẫn này, những trường hợp bằng lái bị mất sẽ không còn được cấp tạm 6 tháng như trước. Nếu người lái không còn hồ sơ gốc thì phải tham dự khóa học mới; nếu vẫn giữ hồ sơ và có tên trong sổ lưu theo dõi cấp phát giấy phép lái xe thì đối chiếu để xác định thời gian sử dụng đối với giấy tờ đã mất. Trường hợp còn thời hạn sử dụng, người lái xe phải có đơn trình bày và cam kết giấy phép lái xe bị mất, có xác nhận của cơ quan công an. Sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ thủ tục hợp lệ xin cấp lại giấy phép lái xe, nếu bằng lái đó không bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý thì sẽ được cấp lại. Trường hợp tìm lại được giấy phép, người lái xe phải đến cơ quan quản lý trả lại giấy mới.
Theo thống kê của Cục Đường bộ VN, tổng số bằng lái môtô, xe máy hiện nay trên toàn quốc chỉ khoảng 4,5 triệu, chiếm 54,5% lượng xe đang lưu hành. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó cục trưởng, cho biết năm nay, sẽ sát hạch, cấp giấy phép điều khiển môtô cho 4-6 triệu người (tăng gấp 4 lần so với 2002). Cục đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở tăng số kỳ sát hạch kên 1,5-2 lần; tăng số người dự sát hạch trong mỗi kỳ để đến hết tháng 6 khắc phục tình trạng quá tải người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe hiện nay (thường phải chờ 1,5-2 tháng).
Làm rõ thêm nhiệm vụ của các lực lượng thanh tra trong việc thực hiện Nghị định 15, Cục trưởng Cục Đường bộ VN Thiều Đăng Khoa nhắc nhở, thời gian tới, thanh tra giao thông chỉ được xử phạt ở các điểm giao thông tĩnh trên đường bộ (quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và đường bộ nội đô) có biển chỉ dẫn được dừng, đỗ xe. Lực lượng này cũng có thể xử phạt các phương tiện vi phạm trên cầu đường bộ, bao gồm đường dẫn lên, xuống cầu và toàn bộ phần mặt cầu dành cho phương tiện giao thông. Tuy nhiên, thanh tra giao thông chỉ được dừng xe để kiểm tra trong những trường hợp thật cần thiết và phải tiến hành ở các điểm giao thông tĩnh nói trên.
Ông Nguyễn Huy Tiệp (tham mưu Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP HCM) cũng khẳng định, cảnh sát 113 không có thẩm quyền cũng như nhiệm vụ ra đường chặn xe vi phạm giao thông để phạt. Họ chỉ có thể tham gia phòng chống đua xe trái phép nhưng phải theo kế hoạch của công an.
Giải thích về việc đề ra chỉ tiêu và định mức phạt cho cảnh sát giao thông, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông TP HCM cho rằng, nếu hiểu vấn đề định mức xử phạt như "khoán sản phẩm" là không đúng. Mục tiêu của lực lượng cảnh sát giao thông là tất cả các hành vi vi phạm giao thông đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Việc đưa ra số liệu (chẳng hạn đội 1: 10 vụ/ngày/người; đội 4: 15 vụ/người/ngày) chỉ là cách thức để đánh giá hiệu quả, năng suất lao động của từng cảnh sát, từng đội và cũng là biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của lực lượng này. Tuy nhiên, bản thân các cảnh sát giao thông cũng thừa nhận rằng trong điều kiện phạt thu tiền tại chỗ như hiện nay thì chỉ tiêu trên là quá khó.
Trong 4 ngày (4-7/4), riêng Phòng Cảnh sát giao thông TP HCM đã xử phạt trên 10.000 vụ vi phạm giao thông. Trong đó, phạt 5.300 vụ, thu 150 triệu đồng. Các đội giao thông quận, huyện bình quân một ngày phạt khoảng 30 vụ/đội.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)