Trước đó, Pháp An - một người chuyển giới nam - đã âm thầm sử dụng liệu pháp tiêm hormone testosterone khoảng một năm. Từ người có vóc dáng mảnh khảnh, gương mặt em bắt đầu lún phún râu, chân tay mọc lông rậm rạp, giọng khàn đi, làn da em bé trở nên sần sùi.
Tôi gặp em năm 2009, khi tham gia một trong những lớp tập huấn báo chí đầu tiên về nhóm người yếu thế LGBT tại Việt Nam và các hoạt động cộng đồng liên quan. Em thường điềm tĩnh, không ca thán, sẵn sàng bê vác, làm những việc đòi hỏi thể lực trong quá trình tình nguyện. Song em cũng dễ nổi nóng khi bị ai đó gặng hỏi mình là nam hay nữ. Có lần bức bối, em chọn sẵn cho mình một pháp danh rồi nói với tôi: "Nếu đời này không được là mình, em sẽ đi tu Linh ạ".
Thế nên, hạnh phúc của Pháp An hân hoan như chú bướm sẵn sàng xé kén khi những thay đổi về thể chất bắt đầu giúp em đạt được sự thể hiện giới đầy nam tính. Tôi nhớ lần đầu thấy Pháp An rạng rỡ khi đặt mua được chiếc áo bó ngực vừa cỡ, tìm được anh hớt tóc không thuyết phục "con gái phải nuôi tóc dài". Em reo lên khi thậm chí mua được dụng cụ để hỗ trợ mình đi tiểu đứng. Em chia sẻ trong háo hức những clip kết quả cắt bỏ tuyến vú hay phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục. Với em, đó là sự kết thúc của con người cũ để tái sinh một lần nữa. Và em còn nói về một nỗi sợ mơ hồ rằng tính khí mình tiếp tục thay đổi, rằng có những xáo trộn cảm xúc em sẽ không kiểm soát được.
Càng về sau này, Pháp An càng lầm lì hơn. Cho đến một hôm, em gửi tôi tấm hình mình đứng trước một ngôi chùa, mái tóc đã cạo sạch sẽ. "Chị ơi, có một sự thay đổi không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần của em. Em không định nghĩa được. Em mệt rồi. Em đi, chị nhé!", sau những dòng chữ đó, tôi không còn nghe gì về em nữa.
Đau đáu với hình ảnh Pháp An, tôi đã mang trải nghiệm của mình chia sẻ trong một lần làm bài tập nhóm tại lớp Tham vấn tâm lý đa văn hóa, nơi dành hẳn một chương về tham vấn cho nhóm người LGBT. Cuộc thảo luận trở nên gay gắt khi nhiều thành viên, chủ yếu là người Singapore bản địa, cảm thấy họ không đủ kiến thức, không có nhu cầu nạp kiến thức vì cộng đồng LGBT vẫn chưa được hợp pháp hóa tại Singapore và đi ngược lại với niềm tin tôn giáo của họ.
Hòa khí bị đe dọa tới mức thầy giáo đã phải nhảy vào "dàn hòa" và nhấn mạnh, dù ở bất kỳ đâu, thậm chí ở những nơi vô cùng hạn chế nguồn lực, nhiều khác biệt về niềm tin tôn giáo, quan điểm chính trị, khi đã là nhà tham vấn, các bạn phải thực thi tất cả các bước với một nguyên tắc vô cùng cốt lõi: thể hiện sự tôn trọng. Không được phán xét, phân biệt đối xử về bản dạng giới, biểu hiện giới và xu hướng tính dục của bất cứ ai. Rồi thầy quay lại và hỏi: "Linh, khi đó em đã thể hiện sự tôn trọng bạn mình như thế nào?"
Ngày ấy, tiếc thay, tôi đã làm rất giỏi việc phản đối kịch liệt quyết định can thiệp y tế của Pháp An trong một niềm tin tắc nghẽn rằng "chuyển giới sẽ giảm tuổi thọ". Tôi đã không hình dung hết rằng, đằng sau niềm vui mặc áo chức năng, bạn tôi đã có những lúc hoa mắt vì tức ngực, khó thở. Lúc lặng lẽ ngắm nhìn những bộ quần áo, giày nam cỡ lớn, bạn đã nhói lòng vì không vừa vặn. Bạn đã bế tắc khi không tìm được mối mua thuốc nội tiết tố, không đủ tiền, phải mạo hiểm tự tiêm cho mình thay vì đến cơ sở y tế.
Những vấn đề nhỏ nhặt thường ngày cũng trở thành cực hình cho người chuyển giới. Ở nơi công cộng hay công sở, bạn tôi phải nhịn tiểu hàng giờ chờ vắng người mới dám bước vào khu vệ sinh nam. Ngay cả tại những nơi làm việc khuyến khích tinh thần "không thù địch", vẫn có những lúc bạn phải nhận câu nói phũ phàng: "Mày không có cái ‘ấy’ thì không thể thăng tiến lên trưởng, phó được".
Bình thường, ai cũng có thể vô cớ khó chịu vì những điều nhỏ nhặt. Khác chúng ta, người chuyển giới khó khăn gấp nhiều lần để đạt được những quyền cơ bản nhất trong sinh hoạt. Họ bị soi mói, định kiến, thiếu tôn trọng, thiếu thốn dịch vụ chuyên biệt từng ngày, từng giờ. Họ ôm ấp nỗi cô đơn mênh mông giữa gia đình và ngay cả trong những quan hệ tình cảm riêng. Họ không thể chia sẻ với ai và rất hiếm khi được lắng nghe. Những trải nghiệm này lần đầu được mô tả rất cụ thể qua khái niệm "bức bối giới" trong một nghiên cứu gần đây của nhóm bạn trẻ về việc người chuyển giới phải sống chung kéo dài với tình trạng phiền muộn, căng thẳng, khó chịu, cầm tù và đau khổ.
Mặc dù được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước châu Á đi đầu về quyền LGBT, đến nay Việt Nam vẫn chưa phát huy được tối đa các dịch vụ y tế, tâm lý có chất lượng cho người chuyển giới và được pháp luật thừa nhận. Cụ thể như chưa có thủ tục pháp lý chuyển đổi giấy tờ tùy thân cho người chuyển giới về đúng giới tính mong muốn, khiến họ gặp khó khăn để thực hiện một số quyền cơ bản như kết hôn, nhận con nuôi, xin thị thực; chưa có hệ thống cung cấp thông tin và kỹ thuật chuyển giới phù hợp với từng cá nhân; chưa có chuyên khoa chăm sóc, trợ giúp tâm lý cho nhóm người này và gia đình họ; chưa có gói bảo hiểm xã hội hỗ trợ các chi phí y tế; thiếu vắng các quy định, biện pháp chống phân biệt đối xử với người chuyển giới.
Tôi còn chưa kể đến áp lực tinh thần mà họ phải chịu đựng qua cái nhìn thiên kiến của nhiều người mỗi ngày. Các áp lực mà tôi cho rằng có thể được hóa giải bằng việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính với các nội dung cụ thể mà Bộ Y tế đã soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội.
Tin tốt là, trong khi khoảng trống kiến thức và hiểu biết về sức khỏe tinh thần, thể chất của người chuyển giới chưa được lấp đầy, cộng đồng này vẫn đang nỗ lực chia sẻ, đồng hành và giúp đỡ lẫn nhau. Bản thân tôi cũng liên tục cập nhật để nếu trong đời còn gặp lại Pháp An và những người chuyển giới khác, tôi biết phải nói và hành động gì để tạo cho họ cảm giác an toàn, thoải mái, được tin, được thừa nhận rằng họ tồn tại - không hơn không kém ai. Một cảm giác "về nhà".
Lê Đỗ Nga Linh