Bài viết dưới đây là chia sẻ trên The Atlantic của một ông bố tên Christopher về những cung bậc cảm xúc anh trải qua sau khi biết con gái đầu lòng là kết quả cuộc tình vụng trộm 15 năm trước của vợ:
Tôi nghiên cứu về gia phả học nên cả nhà tôi, từ hai vợ chồng tới ông bà, đều đã làm xét nghiệm ADN. Cuối năm ngoái, khi công ty Ancestry chạy chương trình giảm giá đặc biệt cho bộ kit thu mẫu xét nghiệm tại nhà, con gái tôi đòi mua vì tò mò về chủng tộc của cháu. Lúc đó, vợ tôi bảo "Con không cần làm đâu vì nhà mình đều xét nghiệm hết rồi, con cũng giống ông bà, bố mẹ thôi". Vốn đã có sẵn nghi ngờ, tôi nói: "Thôi, bố sẽ mua cho".
Thực sự, nhiều năm trước, tôi biết vợ có quan hệ lén lút nhưng không bắt được. Sau khi tôi cho con làm xét nghiệm, con bé kể với mẹ và khoảng hai tiếng sau, lúc nửa đêm, vợ tôi thức dậy, bảo: "Em cần nói chuyện với anh. Em từng phản bội. Chuyện đó kéo dài 2 năm". Hai tuần rưỡi sau, tôi và vợ ly dị.
Điều tệ nhất là việc chứng kiến phản ứng từ con gái tôi. Con bé khóc rất nhiều, như thể bom hạt nhân vừa nổ. Chuyện này cũng ảnh hưởng tới sự gắn bó giữa hai chị em cháu một thời gian dài. Cậu em 13 tuổi (con ruột của tôi) bảo: "Chị chính là nguyên nhân khiến gia đình tan nát. Chỉ vì chị nên bố mới bỏ mẹ". Tôi phải ra tay can thiệp: "Bố không muốn nghe điều này nữa. Chị con không có lỗi".
Thành thật mà nói, khi mới biết sự thật, tôi đã không muốn nhìn mặt con gái nữa bởi tôi từng tuyên bố sẽ không bao giờ nuôi con tu hú. Nhưng mẹ tôi giúp tôi tỉnh táo lại. "Con bé vô tội trong chuyện này, đừng đổ lỗi cho nó", bà nói. Vì vậy, tôi vẫn coi đó là con gái mình và thậm chí còn trêu cho con bé đỡ buồn. Đôi khi, việc này thật khó vì con gợi cho tôi nhớ tới những việc vợ mình đã làm, dù tình yêu tôi dành cho con không thay đổi.
Mặt khác, con bé chẳng mảy may muốn gặp bố đẻ. Con vẫn qua chơi với em trai và gọi tôi là bố. Trong một lần mấy bố con đi ăn, khi tôi kể về chuyện mình vừa bị chẩn đoán mắc chứng mặt đỏ - bệnh di truyền trong gia đình, con gái bảo: "Ô, da con thì lại đẹp". Tôi nói: "Có lẽ con được thừa hưởng điều đó từ bố con", thì cháu giãy nảy: "Bố chỉ cần gọi là 'cha ruột' thôi'. Ông ấy chỉ tạo ra con, còn bố mới là bố con'. Câu này đã khiến tôi khóc ngay ở bàn ăn.
Sau cú sốc biết vợ ngoại tình, tôi có tham gia một nhóm hỗ trợ những người gặp cú sốc bị phản bội trên Facebook. Từ đây, tôi được một thành viên giới thiệu tới nhóm "Những đứa con tu hú" - trong đó hầu hết là những đứa trẻ bỗng dưng phát hiện mình không phải ruột thịt của cha mẹ. Tôi là ông bố duy nhất ở đó.
Rất ít nam giới tham gia các hội nhóm kiểu này, dù là nơi hỗ trợ những người bị cắm sừng hay hòa giải mâu thuẫn gia đình. Có lẽ đàn ông cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi phải mở lòng về chuyện này. Việc biết vợ hay bạn gái mang thai với người khác thực sự là đòn đau đánh vào lòng tự trọng và tự tôn của nam giới. Vì thế đa số họ chọn cách im lặng.
Việc ở trong nhóm cũng giúp tôi hiểu những điều con gái mình phải trải qua. Nó giúp tôi kiên nhẫn hơn khi con nổi cáu với mình hay chống đối mẹ cháu. Tôi hiểu rằng, dù phải gánh chịu tổn thương do sự lừa dối của vợ tôi, cháu vẫn rất yêu mẹ và luôn mong muốn được mẹ quan tâm, yêu thương. Tôi đã chứng kiến nhiều người khác phải đương đầu với các cảm xúc này dù đã trưởng thành, trong khi con tôi mới đang ở tuổi teen. Đó cũng là lý do tôi tham gia nhóm đó.
Có người hỏi liệu tôi có ước phát hiện sự thật sớm hơn không. Thật sự, tôi đã nói với vợ cũ rằng: "Nếu em kể với tôi chuyện này sớm, có thể chúng ta sẽ cứu vãn được hôn nhân". Tôi có thể sẽ cùng cô ấy tìm giải pháp để vượt qua, và chuyện ly dị không xảy ra. Sự dối trá quá lâu, với tôi, là một điều tồi tệ. Nhưng, nếu từ thời điểm đó chúng tôi đã chia tay thì có lẽ tôi sẽ chẳng có được sự thân thiết với con gái như bây giờ. Nói chung, thật khó nói trước điều gì.
Đã gần một năm kể từ khi sự thật được phơi bày. Bây giờ, tôi có thể gọi con gái mà không còn cảm thấy đau đớn nữa. Lúc trước, mỗi lần nói "con là con gái của cha", trái tim tôi vẫn nhói lên nhưng bây giờ mọi việc đã ổn rồi.
Bảo Ngọc