B2C Europe khảo sát trên 2.400 người ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan và Đức nhằm thu thập dữ liệu và đưa ra phân tích giúp các nhà bán lẻ trực tuyến giảm tỷ lệ đổi trả hàng đang có xu hướng gia tăng.
Theo đó, hơn một nửa số người châu Âu tham gia phỏng vấn (54%) nói rằng họ nghĩ đến việc trả một món hàng thậm chí từ lúc còn chưa mua.
27% cho biết không đặt mua hàng ở nước ngoài nếu chi phí trả hàng quá cao và 23% sẽ hủy đơn đặt hàng nếu các thông tin đổi trả không công bố rõ ràng. Điều này cho thấy các nhà bán lẻ trực tuyến châu Âu còn nhiều điều cần phải làm đối với quá trình trả hàng để tăng cường tính tiện lợi và thu hút khách hàng.
B2C Europe cho rằng các nhà bán lẻ cần đưa ra chính sách đổi trả hàng minh bạch với các bước thực hiện đơn giản. 36% người mua hàng châu Âu tuyên bố họ sẽ giao dịch nhiều hơn với các trang web bán hàng quốc tế nếu những vấn đề nêu trên được giải quyết tốt.
"Khách hàng yên tâm giao dịch khi biết sau khi mua hàng mà không hài lòng với món đồ sẽ được hoàn trả nhanh chóng với chi phí hợp lý. Còn những thông tin đăng tải một cách mập mờ sẽ chỉ khiến họ càng rời xa gian hàng để tránh nguy cơ tốn tiền mà còn rước bực vào người", đại diện B2C Europe chia sẻ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 60% người được hỏi nhấn mạnh miễn phí đổi trả phải là chuẩn chung của các dịch vụ. 47% yêu cầu các điểm nhận hàng đổi trả phải tọa lạc những vị trí thuận lợi, không quá xa khách hàng. Đa số người dùng đều mong muốn tiền mua hàng sẽ hoàn lại thông qua thẻ tín dụng.
Đối với người mua hàng trực tuyến ở Tây Ban Nha, Đức và Italy, thông tin rõ ràng về chính sách đổi trả là yếu tố quan trọng nhất. Trong khi đó nhiều khách hàng ở Thụy Sĩ và Đức cho rằng mức phí trả hàng đắt đỏ sẽ là rào cản lớn đối với việc mua sắm xuyên biên giới trên mạng.
Minh Trí