Vẫn bị ám ảnh với những thiệt hại kinh tế, thể chất và tâm lý sau thời gian dài phong tỏa toàn quốc, công chúng không còn dễ dàng chấp nhận tuân thủ các hạn chế. "Lần này sẽ khó khăn hơn rất nhiều", Cornelia Betsch, Giáo sư về Truyền thông Y tế tại Đại học Erfurt, Đức, nói, gọi đây là "chứng chán ngấy đại dịch".
Khi khủng hoảng ngày càng sâu sắc, sự đồng lòng từng vững chắc ở nhiều quốc gia để chống Covid-19 đang có dấu hiệu rạn nứt. Các quy tắc mới bị thách thức tại các tòa án. Chính quyền trung ương và địa phương bất đồng quan điểm.
Tại Tây Ban Nha, chính quyền trung ương ngày 9/10 ban hành tình trạng khẩn cấp ở khu vực Madrid, mặc dù động thái bị các chính trị gia địa phương phản đối gay gắt. Lãnh đạo phe đối lập còn yêu cầu Thủ tướng bảo vệ luận điểm trước quốc hội.
Căng thẳng ở Tây Ban Nha phản ánh sự phản kháng lớn mà nhiều lãnh đạo thế giới đối mặt.
Các nhóm doanh nghiệp đưa ra cảnh báo nghiêm trọng rằng toàn bộ ngành công nghiệp có thể sụp đổ nếu các hạn chế đi quá xa. Một số cuộc biểu tình nổ ra. Tại nhiều quốc gia, hoài nghi của công chúng tăng cao do chính phủ không thực hiện được những lời hứa lớn về các biện pháp như truy vết tiếp xúc hay xét nghiệm.
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nhiều người đang bối rối hoặc không nghe theo các chỉ dẫn là số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh, kể cả ở những nơi đã thắt chặt quy định.
Bồ Đào Nha đã áp đặt hạn chế mới vào tháng trước, nhưng hôm 8/10 họ lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca mới trong một ngày kể từ tháng 4. Ở miền bắc nước Anh, quy tắc mới được đặt ra rồi lại gạt đi, khiến người dân bối rối thay vì làm chậm sự lây lan. Giới chức cảnh báo các bệnh viện có thể phải đối mặt với làn sóng bệnh nhân ồ ạt hơn so với đỉnh điểm đại dịch vào tháng 4.
Khuyết điểm của việc áp đặt biện pháp mới chặt chẽ hơn được thể hiện ở Israel, quốc gia duy nhất ra lệnh phong tỏa toàn quốc lần hai. Hỗn loạn và một loạt cuộc biểu tình xảy ra.
"Mọi người coi quyết định này là mang tính chính trị thay vì y tế", Ishay Hadas, nhà tổ chức biểu tình ở Israel, nói. Ông cho rằng có rất ít rủi ro nếu đeo khẩu trang khi tụ tập ngoài trời. "Vấn đề chính là sự thiếu tin tưởng của công chúng".
Trong khi các vấn đề về đeo khẩu trang và các biện pháp khác ít bị chính trị hóa ở châu Âu hơn nhiều nơi khác, đặc biệt là so với Mỹ, viễn cảnh về một mùa đông với những hạn chế khắt khe hoặc thậm chí phong tỏa đang gây ra lo âu và chia rẽ các đảng phái chính trị.
Anh dự kiến công bố các biện pháp khắt khe hơn vào 12/10, nhiều trong số đó tập trung vào hạn chế với các cơ sở bán rượu. Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đã thách thức chính phủ đưa ra bằng chứng khoa học cho thấy việc đóng cửa quán rượu sớm giúp giảm lây nhiễm.
Ngay cả các cố vấn cho chính phủ Anh cũng lúng túng trong việc giải thích một số biện pháp. "Mọi người đang rất bối rối", Robert West, thành viên tiểu ban SAGE, cơ quan khoa học tư vấn cho chính phủ, nói. "Tôi không thể đặt tay lên tim và thề rằng tôi nhớ hết các quy định", ông nói.
Tại một phần của khu vực đồng tiền chung châu Âu mà nhóm của WHO đã nghiên cứu chi tiết, khoảng một nửa dân số đang "phát ngấy đại dịch", Betsch nói. Họ tìm kiếm ít thông tin hơn về virus, ít quan tâm đến rủi ro và ít sẵn sàng tuân theo các chỉ dẫn hơn.
Nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus vẫn phụ thuộc vào việc các cá nhân thay đổi hành vi của họ. "Lựa chọn khác duy nhất là tái phong tỏa", Francesca Del Gaudio, 24 tuổi, cho biết khi cô và một người bạn đeo khẩu trang đi qua quảng trường Piazza Trilussa của Rome hôm 9/10, ngày đầu tiên Italy thắt chặt thêm biện pháp phòng dịch. "Chúng tôi không muốn điều đó".
Khảo sát tại các quốc gia trên khắp châu Âu cho thấy phần lớn người dân sẵn sàng tuân thủ các quy định nếu chúng được giải thích rõ ràng và dễ làm theo. Betsch cho rằng mọi người cũng sẵn sàng tuân theo các hạn chế mới hơn nếu họ thấy bệnh viện phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân và tỷ lệ tử vong tăng cao.
Tuy nhiên, một số quy định bị chỉ trích. Ở Tây Ban Nha, các nhà hàng ở Madrid phải ngừng tiếp thêm khách sau 22h và đóng cửa trước 23 giờ, trong khi bình thường đó là giờ nhiều người bắt đầu đến ăn.
"Mọi người đều biết rằng người Tây Ban Nha chúng tôi dùng bữa muộn hơn nhiều so với các quốc gia khác, vì vậy việc không thể mở cửa đến nửa đêm là điều quá ngớ ngẩn về kinh tế", Florentino Pérez del Barsa, chủ nhà hàng ở Madrid, cho biết.
Trong khi công chúng thường tập trung chú ý vào những người lớn tiếng nhất, như hàng nghìn người đã biểu tình gần đây bên ngoài Tòa nhà Reichstag ở Berlin và Quảng trường Trafalgar của London gọi đại dịch là một trò lừa bịp và âm mưu do chính phủ dàn dựng, họ chỉ đại diện khoảng 10% công chúng, theo một nghiên cứu của Đức.
Khoảng 20% người dân chống lại các quy định, có thể vì lý do cá nhân, tâm lý và tài chính. Nhưng Betsch cho biết cần chú ý hơn vào khoảng một nửa dân số "lưỡng lự". Họ có thể tiếp nhận các quy định nhưng cần được lắng nghe và giáo dục. Tuy nhiên, các chính sách mới rời rạc của các chính phủ chỉ gây ra sự thất vọng.
Các chính phủ đang đối mặt lựa chọn khó khăn. Pháp lo lắng khi thấy các giường bệnh đang bị lấp đầy. Họ đã đặt nhiều khu vực đô thị lớn vào tình trạng báo động tối đa, bao gồm Lyon, Grenoble, Lille và Saint-Etienne cùng với Paris, Marseille và Aix-en-Provence . Cư dân Toulouse đã biểu tình vào ngày 9/10, lo sợ thành phố của họ cũng bị áp đặt tương tự.
Xavier Lencou, sinh viên kỹ thuật tại Paris, nói rằng ngày càng có nhiều người xung quanh anh tuân thủ các biện pháp như đeo khẩu trang, không giống như vào mùa xuân. Nhưng anh lo lắng các biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ vượt quá giới hạn chịu đựng của nhiều người.
"Nếu lệnh phong tỏa mới được ban hành, tình hình có thể tồi tệ hơn, vì mọi người sẽ không tuân thủ", anh nói.
Jerome Fourquet, nhà phân tích chính trị tại viện thăm dò IFOP của Pháp, nói rằng việc cân bằng giữa thúc đẩy kinh tế và chống dịch "quá khó". So với hồi tháng ba, chính phủ Pháp hiện có ít ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp hơn và người dân ít sẵn sàng chấp nhận bất kỳ hạn chế nào mới.
Tại Đức, lo ngại rằng phong tỏa lần hai sẽ phá hủy sự phục hồi kinh tế mong manh đã dẫn đến sự phản đối ngày càng gay gắt từ người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Merkel tuần trước nói rằng bà không "muốn một tình huống như hồi mùa xuân lặp lại" - ám chỉ lệnh phong tỏa toàn quốc. Hôm 9/10, bà cảnh báo 10 ngày tới sẽ rất quan trọng.
Tờ Bild đã phản ánh cảm xúc của nhiều người Đức trong bài xã luận hôm 9/10, cảnh báo phong tỏa sẽ dẫn đến thất nghiệp hàng loạt, phá sản và tạo gánh nặng cho các gia đình.
"Đó không phải là điều Merkel muốn, bà phải chung sức cùng các bang, thị trấn và thành phố ngăn chặn phong tỏa lần hai!", các biên tập viên của Bild cảnh báo. "Ở một đất nước tự do, phần lớn người dân không thể bị buộc phải trả giá cho hành vi của một vài kẻ ngốc".
Ở Đức cũng như các nước khác, trọng tâm là thay đổi hành vi của giới trẻ. "Các bạn kiên nhẫn một chút không được sao?", bà Merkel nói. "Mọi thứ sẽ trở lại - tiệc tùng, vui chơi mà không có các hạn chế phòng dịch. Nhưng hiện tại, có vấn đề khác quan trọng hơn".
Nhưng sự kiên nhẫn của công chúng ở Đức và các nơi khác đang suy yếu. June Nossin, nhà trị liệu người Bỉ 32 tuổi, cho biết điều quan trọng là phải tuân theo các quy tắc như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Nhưng sức chịu đựng của con người có giới hạn.
"Nếu mọi thứ đều bị cấm, mọi người sẽ phát điên", cô nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes)