Nhóm nghiên cứu của Network Contagion, trụ sở ở New Jersey (Mỹ), cảnh báo các nhà chức trách về xu hướng gia tăng của các bài viết kỳ thị người gốc Trung Quốc và Đông Á. Họ lo ngại làn sóng phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội sẽ dẫn đến những hành động cực đoan, như phỉ báng, đánh đập người châu Á, tẩy chay doanh nghiệp châu Á.
"Những nội dung này đang lan truyền như một loại virus, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng trong thế giới thực", Joel Finkelstein, Giám đốc Network Contagion, nhận xét.
Nhóm nghiên cứu phát hiện một lượng lớn nội dung mang tính đả kích, cùng thuyết âm mưu rằng Covid-19 là "vũ khí sinh học" của chính phủ Trung Quốc trên mạng 4chan và Twitter. Thậm chí, một bài đăng trên Instagram đầu tháng 4 còn xúi giục xả súng vào người châu Á ở New York "vì là cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh trong thành phố".
Jeremy Blackburn, nhà khoa học máy tính của Đại học Birmingham và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết tần suất xuất hiện của cụm từ "virus Trung Quốc" trên mạng xã hội đã tăng vọt lúc đại dịch bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán và khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc lại trên Twitter hồi tháng 3.
"Khi xu hướng này trở nên bình thường, nó có thể khiến không chỉ người Trung Quốc mà cả người châu Á nói chung bị đánh đồng là nguồn gốc gây bệnh", Russell Jeung, Chủ tịch hội đồng nghiên cứu người Mỹ gốc Á của Đại học San Francisco, nói.
Theo Jeung, những người có ngoại hình giống người Trung Quốc và đeo khẩu trang đều có thể bị phân biệt đối xử tại Mỹ tương tự tình trạng người Hồi giáo quấn khăn trùm đầu bị kỳ thị sau vụ khủng bố 11/9/2001. "Chúng ta sẽ thấy những vụ tẩy chay doanh nghiệp và hành hung người châu Á", ông cảnh báo.
Trang Stop AAPI Hate, do Jeung hợp tác cùng hai tổ chức khác, ghi nhận 1.100 vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á tại 36 bang ở Mỹ tháng trước với mức nghiêm trọng ngày càng tăng, từ quấy rối bằng lời nói đến sử dụng bạo lực.
Yang Zhang, nhà khoa học máy tính của Trung tâm an toàn thông tin Helmholtz (Đức), cho biết ông tham gia nghiên cứu sau khi chứng kiến một sinh viên châu Á bị gọi là "virus Trung Quốc" trên chuyến xe bus địa phương.
"Dù đã quen với những lời nói phân biệt chủng tộc, tôi vẫn bất ngờ khi phát hiện quy mô và mức độ ảnh hưởng trên mạng xã hội", Zhang nói. "Tôi luôn coi mạng xã hội là tấm gương phản chiếu thế giới thực".
"Covid-19 đơn giản là thúc đẩy xu hướng sẵn có. Tôi lo ngại mọi người hiểu nhầm rằng đây là vấn đề do Covid-19 gây ra. Thực tế, đại dịch chỉ khiến nạn phân biệt chủng tộc bộc lộ rõ ràng hơn", Charissa Cheah, Giáo sư tâm lý học từ Đại học Maryland, nhận định.
Darren Linville, trợ lý giáo sư tại Đại học Clemson cho biết, #BlameChina, #ChinaLiedPeopleDied, #ChineseVirus, #WuhanCoronaVirus và #ChinaCoronaVirus đã trở thành những hashtag phổ biến trên Twitter. Riêng #ChineseVirus đã xuất hiện 130.000 lần trong ngày Trump đăng nó trên Twitter.
"Chúng tôi có chính sách không khoan nhượng đối với hành vi đe dọa bạo lực, lạm dụng, quấy rối và thù địch. Nếu xác định tài khoản vi phạm, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp cần thiết", Katie Rosborough, phát ngôn viên Twitter, khẳng định.
Theo Washington Post, Donald Trump phủ nhận tuyên bố của ông có hàm ý phân biệt chủng tộc, đồng thời kêu gọi bảo vệ cộng đồng người Mỹ gốc Á. "Họ là những công dân tuyệt vời và không chịu trách nhiệm cho sự lây lan của Covid-19 dưới bất cứ hình thức nào", Trump viết trên Twitter.
"Không dễ loại bỏ tư tưởng thù địch. Các thuật ngữ dựa trên thành kiến ngầm rất dễ được củng cố và duy trì", Giáo sư Cheah nhận định.
Việt Anh (theo Washington Post)