"Phải chi tui chấp nhận sớm cuộc đời nó không phiêu bạt như thế", ông Nguyễn Văn Ngọc, 65 tuổi, ở huyện Bình Chánh nói.
40 năm trước, ông nên duyên với bà Nguyễn Thị Huệ, người phụ nữ hơn ông 8 tuổi và đã có một con riêng. Năm 1988, ông bà chào đón cậu con trai đầu lòng Nguyễn Văn Ngà. Hai năm sau, con trai thứ hai Nguyễn Văn Châu ra đời.
Từ nhỏ, Ngà đã thể hiện nhiều nét khác thường, ăn nói nhỏ nhẹ, dáng đi uyển chuyển, thích tô son và ướm thử váy mẹ. Thời điểm đó, gia đình sống trong một con hẻm quận 4 nơi có đoàn lô tô hay lui tới. Mỗi lần thấy các cô gái chuyển giới hát trên sân khấu, Ngà chạy ra xem và thầm ao ước. Cậu bé khi đó lén gia đình uống thuốc ngừa thai vì cho rằng như thế cơ thể mình mềm mại hơn.
Những biểu hiện nữ tính của Ngà ngày càng rõ rệt khiến hàng xóm bắt đầu xầm xì. Ông bố làm nghề đạp xích lô cảm thấy áp lực và xấu hổ. Mỗi lần về nhà, nghe ai đó bóng gió chuyện "nhà ông Ngọc có thằng con nửa trai nửa gái" là ông lại nổi điên. Chỉ cần thấy Ngà mặc đồ nữ đi chơi cùng bạn, ông lôi về quất roi túi bụi.
"Con trai bị người ta nói bê đê tui buồn đứt ruột", ông Ngọc kể. "Đánh con đau một thì tui đau gấp mười lần".
Chứng kiến những trận đòn của anh trai, Nguyễn Văn Châu cũng sợ nhưng tự thấy bản thân cũng khao khát làm con gái giống như thế. Châu cố giấu giếm và gồng lên, tỏ ra nam tính để làm vừa ý ông Ngọc.
Giáng sinh 2006, Châu xin ba đi chơi Noel và lén đến nhà trọ của một người bạn để thay váy, trang điểm. Cuộc vui kéo dài quá nửa đêm khiến khu trọ đóng cửa, Châu không thể đổi trang phục. Không còn cách nào khác, Châu về nhà trong bộ dạng một cô gái.
Nhìn thấy con bước vào cửa, ông Ngọc chết lặng.
Cú sốc khiến ông thức nhiều đêm suy nghĩ và quyết định cắt trụi tóc hai con, vứt hết quần áo nữ. Một chiều mưa 2008, Ngà bỏ nhà đi theo đoàn lô tô miền Tây, để lại lời nhắn cho Châu: "Đừng trở thành người giống chị, khổ lắm".
Ông Ngọc suy sụp tinh thần, sợ Châu cũng bỏ đi giống đứa con đầu. Cuộc giằng co nhằm kéo con về giới tính sinh học đã trải qua gần chục năm khiến cả cha và con đều mệt mỏi. Cuối cùng ông nhận ra ước muốn trở thành con gái của hai con là điều không thể thay đổi.
Trong một lần cãi nhau chuyện giới tính, ông Ngọc nghe Châu hét lớn: "Tụi con có lỗi gì đâu hả ba?". Ông không trả lời, ngồi gục xuống thẫn thờ. Đó là lần cuối ông đánh con.
Bà Huệ thương con và lo cho chồng. Bà thủ thỉ với ông, con cái là lộc trời nên chỉ cần chúng mạnh khỏe và sống tốt, ở hình hài nào bà cũng chấp nhận. Ông Ngọc dần xuôi.
Châu được phép để tóc dài và được mẹ mua cho vài bộ đồ lụa mặc ở nhà. Cô mở xe đẩy bán bánh rán ở quận 4. Còn Ngà chỉ thi thoảng trở về trong những tháng mưa bão, đoàn lô tô không hoạt động.
Xe bánh rán của Châu có khách ổn định cũng là lúc bà Huệ đổ bệnh phải mổ cột sống. Ông Ngọc gọi Ngà trở về phụ em còn mình nghỉ chạy xích lô chăm vợ.
Năm 2015, Châu gom được 40 triệu để thực hiện ước mơ lớn nhất đời mình: Phẫu thuật chuyển giới sang nữ. Ông Ngọc nghe tin đứng ngồi không yên. Không biết sử dụng Internet, ông chạy đi hỏi người quen về phẫu thuật chuyển giới, họ nói người thực hiện sẽ bị giảm tuổi thọ.
Lòng lo lắng nhưng ông biết con trai út đã cặm cụi bán bánh mấy năm để dành tiền cho ca mổ. Ông bàn với vợ bán thêm bốn chỉ vàng góp vào chi phí cho Châu và dặn con chỉ được thay đổi phần ngực, đợi vài năm mới thực hiện tiếp bộ phận khác. Châu đồng ý.
Một ngày cuối tháng 9/2015, ông Ngọc chở con ra sân bay để đi Thái Lan. Vợ chồng ông ở nhà thấp thỏm cầu nguyện suốt hai tiếng con trên bàn mổ. Đến khi nhận được cuộc gọi video của Châu, họ mới vỡ òa rơi nước mắt. "Đó là khoảnh khắc tui thấy nó hạnh phúc nhất", ông kể.
Tháng 7/2016, ông Ngọc đưa Châu sang Thái Lan lần hai. Năm 2018, cũng chính ông đưa Ngà sang đó. Các con trai ông Ngọc lần lượt trở thành những cô gái. Thời kỳ này, bà Huệ đã yếu, bị lãng tai, di chuyển khó khăn nên người cha đứng ra nấu cháo, thay băng, chăm sóc các con giai đoạn hậu phẫu.
Nhưng mẹ ông Ngọc (bà nội của Ngà và Châu) đã ngoài 80 tuổi vẫn kiên quyết không chấp nhận các cháu chuyển giới. Vài tuần một lần, ông Ngọc lại chạy đến nhà cho bà xem nhiều video Ngà và Châu tâm sự trên các chương trình truyền hình. Dần dà, bà mới có cái nhìn cảm thông với người chuyển giới.
Ngà mở xe bán gà bó xôi cạnh hàng bánh rán của Châu. Họ hàng thấy con ông Ngọc chăm chỉ làm ăn, lời đàm tiếu vơi dần. Một số người khen ông Ngọc có phúc.
Năm 2020, gia đình ông lần lượt tổ chức hôn lễ cho các con. Đám cưới Ngà lên danh sách gần 40 bàn, ông Ngọc mang thiệp đi mời. "Tui hãnh diện về con lắm. Nó chuyển giới nhưng vẫn được nhà trai cưới hỏi hẳn hoi", ông Ngọc nói. Đám cưới ấy bà con hàng xóm có mặt đủ bởi họ quý ông Ngọc và muốn chúc mừng đám cưới cộng đồng LGBT.
Nguyễn Văn Châu cho biết dù đã chấp nhận hai đứa con biến thành con gái nhưng đến bây giờ ba chị vẫn giữ cái tên thằng Tý (Châu) và thằng Lỳ (Ngà). Mỗi lần có bạn bè đến chơi, ông mới chuyển sang gọi con gái. Châu kể, cô từng rất giận ba bởi thường xuyên bị đánh đòn thời nhỏ nhưng ngẫm lại ông vẫn là người cô thương quý nhất đời.
"Ông đã làm mọi thứ vì tôi với trái tim của người cha, cho tôi được sống cuộc đời mà mình muốn", Châu nói.
Ngọc Ngân