Các đảng đối lập và cựu quan chức Canada đang kêu gọi chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau ngăn chặn Shandong Gold Mining, một trong những công ty khai thác vàng lớn nhất của Trung Quốc, mua lại tập đoàn khai khoáng TMAC Resources. Tập đoàn khai khoáng này có trụ sở ở Toronto, Canada, sở hữu mỏ vàng Doris North ở Hope Bay, cách Vòng Bắc Cực gần 193 km về phía bắc.
Sau thời gian hoạt động không hiệu quả, TMAC Resources rất cần vốn để mở rộng sản xuất. Các cổ đông của TMAC sau đó nhất trí bán mỏ vàng Doris North cho Shandong Gold Mining, một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, và được giới chức ở Bắc Kinh phê duyệt thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo luật Canada, chính phủ của Thủ tướng Trudeau mới là bên quyết định cuối cùng. Chính phủ Canada có quyền xem xét bất kỳ hoạt động thâu tóm nào của doanh nghiệp nhà nước nước ngoài và có thể ngăn chặn thương vụ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Phe đối lập cho rằng Canada nên ngăn chặn thỏa thuận để kiềm chế sự kiểm soát ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với các nguồn khoáng sản chiến lược, cũng như ngăn Trung Quốc sở hữu thêm các tài sản ở Bắc Cực.
"Thương vụ này không nên được xúc tiến", Richard Fadden, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Trudeau và cựu thủ tướng Stephen Harper, nói. "Họ rõ ràng là đối thủ và chúng ta phải tính đến điều đó mỗi khi họ tìm cách thâu tóm thứ gì đó".
Shandong Gold Mining, do chính quyền tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, kiểm soát, cho hay họ chỉ quan tâm đến tiềm năng thương mại của TMAC. Jack Yue, giám đốc công ty này, tuyên bố họ "coi đó là một giao dịch khai thác vàng đơn giản".
Người phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Phát triển Kinh tế Canada, người chịu trách nhiệm về luật đầu tư nước ngoài, cho biết bộ này sẽ xem xét thỏa thuận và cân nhắc lợi ích của nó đối với nền kinh tế Canada trước khi đưa ra quyết định. Ông từ chối bình luận về các khía cạnh khác. Người phát ngôn của Thủ tướng Canada Trudeau cũng từ chối bình luận thông tin.
Quan hệ Canada - Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, sau khi giới chức Canada bắt Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei theo yêu cầu của Mỹ. Bắc Kinh sau đó bắt và truy tố hai công dân Canada tội gián điệp, động thái mà Thủ tướng Trudeau nói là để trả đũa Ottawa.
Đa số người Canada cho rằng chính phủ nên ngăn chặn các nhà đầu tư Trung Quốc tại Canada và từ chối nhập cảnh đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc, theo kết quả thăm dò của Nanos Research, một đơn vị nghiên cứu và thăm dò dư luận của Canada, hôm 13/7.
Eric Miller, Chủ tịch Tập đoàn Chiến lược Rideau Potomac, đơn vị tư vấn ở Canada, cho rằng vị trí của mỏ vàng Doris North "đặc biệt nhạy cảm" trong bối cảnh các nước đang tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Cực. "Có một lượng lớn tài nguyên ở đó và Trung Quốc là một quốc gia đói tài nguyên đang tìm cách tiếp cận các nguồn khoáng sản", ông nói.
Các cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc hy vọng Bắc Băng Dương sẽ trở thành tuyến vận tải quan trọng khi băng tan do biến đổi khí hậu, rút ngắn hành trình giữa châu Á và châu Âu.
Nga đang sở hữu hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, đồng thời mở rộng hiện diện quân sự tại Bắc Cực. Mỹ cũng đã triển khai đội tàu ngầm tuần tra khu vực và Tổng thống Donald Trump tháng trước ra lệnh mua thêm một số tàu phá băng để tăng cường hoạt động trong lĩnh vực này.
Dù vùng lãnh thổ xa nhất về phía bắc nằm cách Vòng Bắc Cực hơn 1448 km, Trung Quốc vẫn tuyên bố mình là "quốc gia cận Bắc Cực" và từng công bố sách trắng Bắc Cực đầu tiên của nước này hồi tháng 1/2018.
Bắc Cực được quản lý bởi một cơ quan gồm 8 quốc gia được gọi là Hội đồng Bắc Cực, bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Những nước này đều có chủ quyền với các vùng đất trong Vòng Bắc Cực và có quyền quyết định với các chính sách quản lý khu vực này. Trung Quốc đang giữ vị thế quan sát viên ở hội đồng này.
Trước TMAC, các công ty Trung Quốc đã mua một số tài sản ở miền bắc Canada. Tập đoàn MMG Trung Quốc đang sở hữu mỏ kẽm và đồng ở Bắc Cực. Công ty Công nghiệp Jilin Jien Nickel của Trung Quốc cũng mua một mỏ đồng và niken ở phía bắc Quebec.
Mai Lâm (Theo WSJ)