![]() |
Mike Tyson đã cắn đứt một mẩu tai của Evander Holyfield trong một trận đấu vào tháng 6/1997. Ảnh: Livescience. |
"Nghe có vẻ kinh dị nhưng sự thực là như vậy", nhà nghiên cứu đứng đầu Patricia Eadie tại Bệnh viện St. James ở Dublin, Ireland, nói.
Nghiên cứu của bà cho thấy 5-20% vết thương cắn phải điều trị cấp cứu ở Mỹ là do con người gây ra. Điều đó đẩy vết cắn của người lên vị trí thứ 3 trong số các vết cắn phổ biến nhất tại quốc gia này.
Nhóm đã phân tích biểu đồ của 92 bệnh nhân bị người cắn và được phẫu thuật thẩm mỹ ở Bệnh viện St. James từ tháng 1/2003 đến 12/2005.
Chất cồn xuất hiện trong 90% các vụ tai nạn, với 70% cú cắn xảy ra vào cuối tuần hoặc ngày lễ.
"Phần lớn những vết thương này xảy ra ở những cậu thanh niên trẻ nồng nặc hơi rượu", Eadie nói. "Một trong những vấn đề là các quán rượu đều đóng cửa vào một thời điểm. Nên lúc đó mọi người cùng đổ ra đường sau khi đã đầy hơi men và những cuộc xung đột rất dễ xảy ra".
7/10 vết cắn là ở trên mặt, phần lớn ở vành trên của tai. Một mục tiêu khác trên mặt là đầu mũi.
"Nếu như một mẩu tai thực sự bị cắn đứt, thì sẽ phải cần 3-4 cuộc phẫu thuật để lấy mô từ phía sau tai và lắp vào đó", Eadie cho biết.
Sự nhiễm trùng là một vấn đề đáng lo ngại sau khi một người bị cắn. Nhìn chung, các vết cắn dễ dẫn tới sự nhiễm trùng hơn các vết thương khác, do nước bọt chứa rất nhiều vi khuẩn. Các nhà khoa học cho biết có 900 triệu vi khuẩn trong chưa tới nửa thìa cà phê nước bọt và bao gồm khoảng 150 loại vi khuẩn khác nhau.
Khoảng 20% những bệnh nhân bị cắn trở nên nhiễm trùng và những ai chờ đến 12 tiếng sau mới đi điều trị là dễ bị nhiễm trùng hơn cả. Mặc dù các bệnh nhân đều được yêu cầu phẫu thuật chỉnh hình nhưng chỉ 14% là thực hiện hoặc có kế hoạch làm điều đó.
M.T. (theo Livescience)