Bóng đá - Nguồn cơn biểu tình ở Brazil
Thành phố Belo Horizonte, nơi diễn ra trận bán kết giữa Brazil và Đức tại vòng bán kết World Cup 2014, từng là nơi tập trung của khoảng 60.000 người biểu tình hồi tháng 6/2013. Khi đó, Brazil là nước chủ nhà tổ chức giải Cúp Liên đoàn các châu lục 2013 của FIFA. Cảnh sát phải sử dụng đến đạn cao su và hơi cay để giải tán đoàn người.
Thành phố Salvador, nơi diễn ra trận bán kết Cúp liên đoàn các châu lục giữa Brazil và Italy cũng gặp tình trạng tương tự. Khoảng 5.000 người biểu tình tập trung lại tại sân vận động thành phố, yêu cầu cải thiện giao thông, giáo dục và phản đối kịch liệt những khoản chi khổng lồ cho World Cup 2014.
Vấn đề lớn nhất đối với người dân Brazil chính là tham nhũng tồn tại trong chính phủ. Khoảng 250.000 người tại 100 trung tâm đô thị ở Brazil hôm 22/6/2013 đồng loạt xuống đường tuần hành. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở quốc gia Nam Mỹ này trong vòng hai thập niên.
Trong khi đó, chính phủ Brazil, chi hàng tỷ USD tổ chức World Cup, trông chờ đội tuyển quốc gia giành được hào quang của nhà vô địch từ Tây Ban Nha, đội tuyển đăng quang tại World Cup 2010.
Đội Brazil đã tiến vào đến vòng bán kết World Cup 2014 nhưng để giành chiến thắng trước Đức là điều không dễ dàng, đặc biệt là thiếu đi chân sút Neymar, do chấn thương, và đội trưởng Thiago Silva, bị cấm thi đấu do nhận thẻ vàng. Với sự vắng mặt của hai cầu thủ trên, Brazil có thể sẽ thua nhưng vẫn giữ được thể diện, và ít khả năng gây ra biểu tình, Channel 4 của Anh nhận định.
Một số các cuộc biểu tình nhỏ được cho là lên kế hoạch vào ngày 8/7, ngày diễn ra trận đấu bán kết giữa Brazil và Đức. Tuy nhiên, Camillo Fraga, người hỗ trợ công tác chuẩn bị World Cup ở Belo Horizonte, nói ông không muốn có rắc rối nếu Brazil thua cuộc.
"Sẽ thật tuyệt vời nếu Brazil thắng và dù thua cuộc thì nỗ lực vào đến vòng bán kết của họ cũng cần được tôn trọng", Fraga nói. "Tôi không có lo ngại nào về phản ứng sau trận đấu. Mọi thứ đã thay đổi trong suốt một năm qua và giờ đây mọi người đều tận hưởng World Cup".
Vòng đấu cuối cùng, gồm tranh giải ba và chức vô địch World Cup 2014 sẽ diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro vào ngày 13/7 tới. Những cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch với sự ủng hộ của nhiều người.
Theo số liệu trên Facebook, hơn 1.000 người tỏ ý sẽ tham gia cuộc biểu tình do nhóm Frente Independente Popular - RJ tổ chức, nhưng chưa rõ địa điểm. Black Bloc, nhóm những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, muốn biểu tình phía ngoài sân vận động Maracana ngay trước chung kết và nhận được sự ủng hộ từ 400 người.
'Bầu trời sụp đổ'
Brazil, Đức được chờ đợi sẽ làm nên một cuộc so tài đỉnh cao, cân bằng, khốc liệt, hấp dẫn, tương xứng với tầm vóc của hai đội tuyển đang sở hữu tới 8 chiếc cup vàng thế giới và là những ứng cử viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch giải năm nay. Tuy nhiên, thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược, theo một kịch bản mà ngay cả trong những người giàu trí tưởng tượng nhất có lẽ cũng khó có thể hình dung ra.
Trong thế trận một chiều, Brazil sụp đổ chóng vánh và để cho đối thủ mặc sức giày vò. Chỉ sau 29 phút thi đấu, Đức đã dẫn tới 5-0, và bốn trong số đó được ghi chỉ trong 6 phút, từ 23 đến 29, sau khi Thomas Muller mở tỷ số ở phút 11. Sang hiệp hai, tiền đạo vào thay người Andre Schurrle lập một cú đúp, ở các phút 69 rồi 79, để nâng tỷ số lên 7-0. Bàn gỡ 1-7 của Oscar chỉ đến ở phút bù giờ thứ nhất hiệp hai và cũng chẳng đủ để giúp Brazil vớt vát lại danh dự trong trận cầu mà họ đã đánh mất tất cả.
Theo CBC News, những cổ động viên đội tuyển Đức được lực lượng an ninh hộ tống ra khỏi sân vận động Mineirao sau khi trận bán kết kết thúc. Cảnh sát được điều động ra mọi tuyến đường ở Brazil để phòng khả năng xảy ra bạo động. Nhưng nhiều giờ sau trận đấu, người dân Brazil dường như thất vọng nhiều hơn là giận dữ.
Cơn mưa bàn thắng của đội tuyển Đức vào lưới Brazil phá tan không khí của những người hâm mộ tập trung tại bãi biển Copacabana, thành phố Rio, xem trận đấu. "Vấn đề là tâm lý", cổ động viên Fabio Fontes nói. "Brazil thua Đức cũng là điều bình thường nhưng không phải theo cách này".
Với việc Brazil rời xa chiếc cup vô địch theo cách thảm hại, "bạn đang nhìn thấy một Brazil có vẻ chán nản nhất từ trước đến giờ", người hâm mộ Pablo Ramoz nói.
Tại Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, hàng nghìn người đổ ra các con phố với nguyên trang phục màu vàng, xanh lá cây và lam, ba màu của quốc kỳ Brazil.
"Tôi không còn gì nữa! Tôi là người Brazil và tự cảm thấy nhục nhã. Tôi muốn tự tử", cổ động viên Samir Kelvin, vừa bám vào một cây cột vừa la lớn. Cạnh đó là một phụ nữ hét "Thật xấu hổ, thật xấu hổ!" và một người đàn ông tự đập đầu vào bàn. Website Veja Sao Paulo còn đăng tải hình ảnh người hâm mộ đốt một lá cờ Brazil.
Trớ trêu, thành phố Belo Horizonte, trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là "một chân trời đẹp", lại là nơi chôn vùi giấc mơ vô địch World Cup, giải bóng đá lớn nhất hành tinh, của đội chủ nhà.
Như Tâm