Xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, là nơi tập trung nhiều người nhặt rác nhất Hà Nội, trong đó thôn Lai Sơn đóng góp nhiều quân số nhất. Trưởng thôn Đặng Quốc Hưng thống kê có khoảng 200 hộ tham gia bới rác với trên 300 lao động. Trước đây chính quyền có chủ trương tuyên truyền cho người dân không đi nhặt rác vì ô nhiễm, nhưng cả trăm người phản đối kịch liệt.
Gia đình ông Lê Văn Chờ có tới 5 người con cả dâu, rể tham gia vào guồng quay nhặt nhạnh. Họ nhặt từ cơm thừa, canh cặn, rau úa, rau già để chăn lợn, nhặt củi để đun đến nhặt bì bóng, nhựa, mảnh chai đem bán. Người trẻ trong gia đình được phân công bới rác, tức dùng cào sắt bổ vào giữa đống rác mà moi, còn người già sức yếu chỉ đi nhặt chứ không dùng cào để tránh mất sức.
Ngôi nhà to như biệt thự của một chủ đại lý thu mua rác. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Nhờ chăm chỉ bới rác ông Chờ đã cất được ngôi nhà 2 tầng trị giá 600 triệu đồng, nhưng độ hoành tráng vẫn còn kém xa một số chủ vựa thu mua khi họ dựng những ngôi nhà to như biệt thự, biệt phủ. Số trực tiếp bới bãi mà khá lên như gia đình ông Chờ không nhiều vì không hội đủ các yếu tố như lực lượng lao động đông đảo, chăm chỉ hiếm có và cả một phần may mắn nữa.
Nói đến vận may từ bãi rác, cả vùng bãi thải Nam Sơn hầu như ai cũng thuộc câu chuyện về người nhặt được 11 cây vàng. Đó là vợ chồng Lưu Văn Hưng - Ngô Thị Ngà ở xóm Trại, xã Bắc Sơn. Hiện chị Ngà vẫn vác cào sắt đi nhặt rác, hàng ngày “nộp sưu” cho chủ lán theo hình thức bới túi bóng trả chủ còn nhựa, sắt, rau lợn, củi mang về phần để phân loại bán, phần để dùng tăng gia.
Chị Ngà bám bãi rác từ năm 2000. Hồi đó bãi còn cho bới theo ca ngày, từ 12h trưa đến 17h chiều, đổ lộn xộn cả chất thải công nghiệp, y tế nên lắm khi bới được cả mẫu bệnh phẩm của người sau phẫu thuật. Bãi đông người bới, nhộn nhịp đến mức hình thành cả hệ thống quán bán bánh, nước chè, thuốc lá ngay trên đỉnh bãi rác cho dân tình giải lao. Vốn chăm chỉ, bụng mang dạ chửa đến tháng thứ bảy chị Ngà vẫn vác bao tải, móc sắt đi bới.
Chị nhớ như in cái ngày 25/12 âm lịch, giáp Tết năm 2009, thời điểm mà cả nghìn người bới rác phải căng sức tranh thủ làm kẻo bãi đóng cửa hết tuần. Đang bới ở rìa bãi rác, anh Cửu chủ lán bảo chị chuyển sang bới ở bên cạnh cho rộng. Chừng 20 phút sau khi chuyển sang chỗ mới, chị bới thấy một túi bóng màu xanh, trong đó chứa đầy giẻ rách và những thứ vớ vẩn.
"Xé túi ra, tôi thấy một miếng rời màu vàng và một dây gồm 10 miếng màu giống như thế. Tất cả đều in rõ chữ SJC 9999 của công ty vàng bạc gì đó ở Sài Gòn. Giấu cái dây vàng vào trong bao tải chứa rau thừa tôi đem một miếng vào cho anh Cửu xem vì vẫn ngờ đó là vàng giả. Sau khi lấy dao gọt một tí ở bên cạnh, anh ấy xác định đó chính là vàng thật, tôi cất nốt cây vàng đó để tiếp tục đi bới túi bóng, tìm đồ nhựa, bán phế liệu tới tận sáng mới về”, chị kể.
Tin chị Ngà nhặt được vàng còn bay nhanh, anh em họ hàng kéo đến chật sân để xem. Sau khi làm 20 mâm cỗ thết đãi họ hàng, làng xóm, anh chị xuống phố Nỉ (Sóc Sơn) bán vàng. Chị vẫn nhớ, giá vàng khi ấy là 27 triệu đồng một cây. Đang bới rác, tự dưng có nhiều tiền, anh chị mới tính làm ăn lớn bằng cách mua thuyền hành nghề hút cát. Được độ một năm, thấy không kham nổi, họ bán thuyền, lát được cái sân, sắm cái xe máy còn đâu gửi tất vào sổ tiết kiệm.
Vợ chồng chị Ngà từng nhặt được 11 cây vàng ở bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Năm 2011, vận may một lần nữa lại đến với chị Ngà khi nhặt được 200 USD và một triệu đồng. Chị Ngà rất có kinh nghiệm với chuyện nhặt được tiền của bởi đã tìm ra “mẫu số chung” là tiền thường nằm trong gối, trong gói giấy, túi xách và phong bì. Lắm khi có cái phong bì quên chưa bóc đã bị quẳng nhầm ra bãi rác, trong đó còn ghi rõ “Chúc mừng hạnh phúc hai cháu” hay “Kính viếng vong hồn cụ”. Kỳ quặc hơn, có dịp chị Ngà còn nhặt được cả con rùa nặng tới 2 kg còn sống nguyên. “Tôi thấy cái bao tải cứ động đậy, rồi có tiếng kêu khù khù bên trong, tò mò nắn thấy cái mai to to đã mừng, tưởng con ba ba không ngờ là con rùa. Nghĩ rùa không bán được giá nên tôi đành đem đi cho”, chị kể.
Những con vật nhặt được ở bãi rác còn sống như vậy rất hiếm, phần đa chúng đã chết từ lâu. Tuy nhiên, rác của người này nhiều khi lại là cơ hội của người khác, mà lắm lúc cơ hội đó có nhiều phần tội lỗi. Trước đây chó chết chưa thối, bụng còn xẹp, thân còn cứng người nhặt rác ở bãi Nam Sơn vẫn đem bán cho các chủ thu gom để rồi họ tuồn vào hàng ăn với giá 40.000-50.000 đồng một con. Hai năm gần đây, chó chết không có người thu mua nữa nhưng mèo chết lại hút hàng. Có bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Con to bán 15.000 đồng, con nhỏ 5.000-10.000 đồng.
Tuy nhiên, nghề nhặt rác có rất nhiều hiểm nguy. Một người nhặt rác chia sẻ: "Ai ra bãi rác cũng muốn có bát cơm ăn chứ không ai muốn húp cháo nên cạnh tranh nhau quyết liệt lắm, có vụ còn dùng gạch đánh nhau đến chết. Trước đây xe ôtô vừa đổ, người dân đã lao vào làm, lắm khi rác trùm kín cả người. Giờ thấy nguy hiểm, xí nghiệp ra quy định xe đổ xong mới cho người vào bới thế mà vẫn có trường hợp hít phải khí độc, ngất lịm phải đi cấp cứu”.
Theo Nông nghiệp Việt Nam