Đám đông biểu tình hôm 24/4 cố xô đẩy hàng rào bảo vệ khu nhà Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa ở Colombo, sau khi cảnh sát dựng rào chắn trên nhiều tuyến đường xung quanh thủ đô ngăn họ liên kết với người biểu tình ở khu vực khác.
"Các ông có thể chặn đường, nhưng không thể ngăn cản chúng tôi đấu tranh tới khi nào toàn bộ chính phủ từ chức", một thủ lĩnh sinh viên giấu tên nói.
Đối mặt với các sinh viên biểu tình là cảnh sát chống bạo động cầm lá chắn, ngăn cản đám đông xâm nhập khu nhà ở của Tổng hống. Một số người mang theo biểu ngữ "Hãy từ chức đi Gota", biệt danh của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, em trai Thủ tướng Mahinda.
Cảnh sát cho hay ông Mahinda không ở nhà thời điểm đó và đám đông đã giải tán một cách hòa bình.
Trong hơn hai tuần, hàng nghìn người biểu tình cắm trại hàng ngày bên ngoài văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, yêu cầu ông và anh trai từ chức. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc chứng kiến cảnh đám đông cố gắng xông vào nhà riêng và nơi làm việc của các lãnh đạo chính phủ.
Một người đã bị bắn chết khi cảnh sát nổ súng phong tỏa con đường ở thị trấn miền trung Rambukkana tuần trước, là ca tử vong đầu tiên từ khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Nhiều tháng mất điện kéo dài, lạm phát kỷ lục và tình trạng thiếu nhiên thực, nhiên liệu trầm trọng đã làm dấy lên sự bất mãn ngày càng tăng của người dân Sri Lanka, quốc gia đang đối mặt tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất từ khi độc lập năm 1948.
Sri Lanka hôm 12/4 tuyên bố vỡ nợ. Nền kinh tế sụp đổ sau khi đại dịch Covid-19 làm sụt giảm nguồn kiều hối và doanh thu du lịch, nguồn đóng góp chính cho GDP đất nước.
Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry đang ở Washington để đàm phán về gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông cảnh báo tình hình kinh tế Sri Lanka có thể còn tồi tệ hơn nữa.
Hồng Hạnh (Theo AFP)