Người biểu tình bên ngoài tòa nhà chính phủ Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD), lực lượng lãnh đạo biểu tình đòi Thủ tướng Somchai Wongsawat từ chức, cho biết họ lo ngại về các vụ nổ nhằm vào người ủng hộ họ tại tòa nhà chính phủ. "Quá nguy hiểm nếu ở lại đây bởi các vụ tấn công liên tiếp nhằm vào chúng tôi", phát ngôn viên PAD Anchalee Paireerak nói. Ông cho biết toàn bộ những người ủng hộ PAD sẽ rời khỏi đó vào tối nay.
Việc PAD rút khỏi văn phòng của Thủ tướng Somchai sẽ giảm nguy cơ xảy ra đụng độ giữa họ với phe ủng hộ chính phủ là Mặt trận thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD). Gần 20.000 người ủng hộ UDD trong màu áo đỏ đã tập trung ở Bangkok từ tối qua tại địa điểm cách tòa nhà chính phủ chỉ vài km để gây sức ép với người của PAD.
Chinawat Haboonpard, phát ngôn viên phe ủng hộ chính phủ UDD cho biết, họ đang cân nhắc việc bao vây tòa án hiến pháp. Nguyên nhân vì tòa án hiếp pháp Thái ngày mai sẽ ra phán quyết về việc đảng cầm quyền gian lận trong bầu cử và quyết định ông Somchai có bị cấm tham gia chính trường hay không.
Phát ngôn viên chính phủ Nattawut Saikuar thì cho biết, Thủ tướng Somchai đã được thông báo về việc PAD rút khỏi văn phòng của ông. "Tôi hy vọng những người biểu tình sẽ dần rút khỏi nơi đó bởi rõ ràng là họ không thể giành chiến thắng. Sau khi họ chiếm đóng các sân bay, cả xã hội đã quay lưng lại phía họ", Nattawut nói thêm.
Một cuộc trưng cầu do trung tâm nghiên cứu Abac công bố hôm qua cho thấy 76,5% số người được hỏi nói rằng họ xấu hổ vì cuộc khủng hoảng chính trị và cái nhìn tiêu cực của người nước ngoài đối với Thái Lan.
Trong khi đó hai sân bay chính của Bangkok là Suvarnabhumi và Don Muang vẫn tê liệt suốt một tuần qua, do người biểu tình chống chính phủ tràn vào chiếm giữ. Tình trạng này khiến hàng trăm nghìn người nước ngoài bị kẹt lại và các nước đang hối hả điều máy bay tới sân bay quân sự Utapao gần Bangkok để giải cứu, gây ra tình trạng tắc nghẽn tại phi trường quân sự này.
Giám đốc điều hành sân bay quốc tế Suvarnabhumi cho biết, khi biểu tình chấm dứt thì phải mất khoảng một tuần phi trường khổng lồ này mới có thể tái hoạt động do việc kiểm tra an ninh và hệ thống thông tin. Việc hoạt động hàng không tại Bangkok, vốn là trạm trung chuyển quan trọng của châu Á, bị tê liệt nhiều ngày có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan hàng tỷ USD.
Khu lều tạm mà những người biểu tình dựng lên trong tòa nhà chính phủ từ tháng 8 ở Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị từ khi Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2007 vốn được kỳ vọng đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, sau khi một đảng gồm các đồng minh cũ của Thaksin giành chiến thắng và trở lại nắm quyền.
Sau thời gian nhùng nhằng, kể từ tháng 8 năm nay, phe PAD đã mở chiến dịch biểu tình rầm rộ chống chính phủ và tràn vào chiếm đóng trụ sở làm việc của nội các. Căng thẳng lên đến cực điểm kể từ tối 25/11, khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, khiến sân bay này tê liệt. Một ngày sau đến lượt sân bay thứ hai của Bangkok là Don Muang cũng rơi vào tình trạng tượng tự.
Ngọc Sơn (theo AFP)