Theo Reuters, hàng nghìn người biểu tình đã rời khu trại chính của họ ở một công viên tại Bangkok để tham gia cuộc biểu tình do thủ lĩnh thuộc phe đối lập Suthep Thaugsuban dẫn đầu, nhằm thiết lập một chính phủ mới.
Ông Suthep kêu gọi những người ủng hộ tuần hành bên ngoài tòa nhà quốc hội, văn phòng thủ tướng và 5 đài truyền hình để ngăn cản hoạt động của các cơ quan chính quyền này.
"Chúng ta sẽ tuần hành đến tất cả các đài truyền hình, yêu cầu người dân thành phố bao vây xe và trụ sở cảnh sát để ngăn họ làm nhân dân bị thương", ông Suthep nói. "Chúng ta sẽ giành lại toàn quyền và thành lập một chính phủ của nhân dân và hội đồng lập pháp của nhân dân. Chúng ta sẽ quét sạch rác rưởi của chính quyền Thaksin khỏi đất nước này".
Đến giữa buổi sáng, ông Suthep dẫn một nhóm người biểu tình phất cờ tiến đến Tòa nhà Chính phủ, văn phòng chính thức của thủ tướng Thái Lan, nhưng nơi này đã không còn nhân viên nào làm việc từ hồi tháng một. Ông tuyên bố người biểu tình sẽ cắm trại qua đêm ở bên ngoài.
Căng thẳng nổ ra ở một điểm biểu tình khác khi cảnh sát xịt hơi cay và vòi rồng vào đám đông hàng trăm người đang cố tìm cách xông vào một trụ sở cảnh sát ở phía bắc Bangkok. Trung tâm Y tế Erawan, cơ quan quản lý các bệnh viện, cho hay 4 người biểu tình đã nhập viện sau khi hít phải hơi cay.
"Công việc của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Chính phủ bất hợp pháp của Thaksin vẫn nắm quyền. Bước tiếp theo của chúng tôi là trao quyền về tay nhân dân", Pornprasert Chernalom, 39 tuổi, một người làm nghề buôn bán nhỏ ở phía tây Bangkok nói.
Theo cảnh sát, có khoảng 4.500 người chống chính phủ tham gia vào cuộc biểu tình trên. Giới chức cho hay khoảng 21.000 cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai để đảm bảo an ninh ở thủ đô, nhưng thực tế, sự hiện diện của họ trên các đường phố không đáng kể.
Làn sóng biểu tình ở Bangkok quay trở lại hai ngày sau khi bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp tước quyền làm thủ tướng vì cáo buộc lạm quyền. Tuy nhiên, đảng Pheu Thái của bà Yingluck hiện vẫn nắm quyền lãnh đạo chính phủ và dự kiến tổ chức bầu cử toàn quốc vào ngày 20/7 tới với khả năng chiến thắng cao.
Người biểu tình cho rằng chính phủ hiện tại phải ra đi, hoãn bầu cử và tiến hành cải cách để chấm dứt ảnh hưởng của anh trai bà Yingluck, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin bị lật đổ năm 2006 và hiện sống lưu vong để tránh ngồi tù vì tội lạm quyền. Tuy nhiên, ông vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân thuộc tầng lớp nông dân ở Thái Lan.
Hàng nghìn người ủng hộ anh em nhà Shinawatra, hay còn gọi là phe áo đỏ, phản đối việc bà Yingluck bị phế truất, và cũng đang tiến về Bangkok để tổ chức biểu tình vào ngày mai. Họ hy vọng chính phủ đương nhiệm sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới và đưa đảng của bà Yingluck trở lại nắm quyền.
Viễn cảnh phe áo vàng và áo đỏ đối đầu ở Bangkok cuối tuần này gây nên nhiều lo ngại, nhất là khi cả hai bên đều đưa các nhà hoạt động có vũ trang vào hàng ngũ của mình. 25 người đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng biểu tình chống chính phủ nổ ra hồi tháng 11 năm ngoái.
Anh Ngọc