"Chúng tôi hy vọng ngài sẽ thay đổi hành vi một lần và mãi mãi, trở thành nhà vua của tất cả người dân", lãnh đạo biểu tình Arnon Nampa viết trong bức thư gửi tới Quốc vương đăng trên mạng. "Tôi hy vọng nhà vua sẽ mở rộng tâm trí và ra mặt đối thoại với chúng tôi để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng".
Hoàng gia Thái Lan không đưa ra bình luận kể từ khi biểu tình bùng phát, nhưng Quốc vương Vajiralongkorn tuần trước nói rằng người biểu tình vẫn được yêu quý và Thái Lan là vùng đất của sự thỏa hiệp.
Hành động chỉ trích Hoàng gia có thể bị phạt tù tới 15 năm theo luật khi quân của Thái Lan, tuy nhiên nó đã trở nên phổ biến trong những tuần gần đây.
Người biểu tình tại Đài tưởng niệm Dân chủ ở Bangkok được các nhà tổ chức yêu cầu mang thư tới cho Quốc vương. Một số người trong số hơn 1.000 người biểu tình đã gập các bức thư lại thành phi tiêu. Các nhà tổ chức chưa cho hay thông điệp sẽ được chuyển đi như thế nào.
Cảnh sát cho biết trong một cuộc họp báo rằng các cuộc tụ tập công cộng bị cấm trong phạm vi 150 mét quanh những tòa nhà của Hoàng gia.
Một số người theo chủ nghĩa bảo hoàng cũng tập trung ở phía bên kia Đài tưởng niệm Dân chủ, mặc áo vào theo màu của nhà vua và vẫy cờ Thái Lan. Nhiều người giơ cao ảnh nhà vua và người cha quá cố của ông, Vua Bhumibol Adulyadej.
"Tôi muốn bảo vệ chế độ quân chủ và nhà vua", Chutima Liamthong, 58 tuổi, nói. "Hoàng gia là bản sắc của Thái Lan. Chúng ta không thể đứng vững nếu không có Hoàng gia".
Trong nhiều tháng, người biểu tình đã xuống đường gần như mỗi ngày để yêu cầu cải cách chế độ quân chủ và yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha phải từ chức. Các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo cũng kêu gọi viết lại hiến pháp do quân đội soạn thảo và chấm dứt cáo buộc quấy rối chính phủ đối với các đối thủ chính trị.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)