Các quan chức cho hay cử tri không thể bỏ phiếu tại 45 trên 375 điểm bỏ phiếu trên cả nước vì bị người biểu tình ngăn cản. Người biểu tình đòi hỏi Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ bỏ quyền lực, nhường chỗ cho một "hội đồng nhân dân" không qua bầu cử lãnh đạo, bởi họ cáo buộc chính phủ hiện tại tham nhũng và mua phiếu bầu.
Tại một số điểm ở miền Nam có phong trào chống chính phủ mạnh mẽ, người biểu tình chặn trước cửa bưu điện để không thể phân phối lá phiếu và thùng phiếu, AFP dẫn lời Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử Thái Lan Puchong Nutrawong cho biết.
Tại Bangkok, 437 trên 6.673 điểm bỏ phiếu không thể tiến hành vì bị người biểu tình phong tỏa hoặc thiếu nhân viên và có những cuộc ẩu đả nhỏ giữa cảnh sát và cử tri.
"Tôi chỉ muốn được bỏ phiếu", Praneet Tabtimtong, 57 tuổi, nắm chặt một chiếc dùi cui bằng gỗ, nói. "Họ đóng cửa và không đưa thùng phiếu ra", bà nói thêm.
Tuy nhiên, tại miền Trung và miền Bắc Thái Lan, cùng nhiều địa điểm khác ở thủ đô, cuộc bỏ phiếu diễn ra thuận lợi và không bị cản trở, với niềm hy vọng rằng bà Yingluck sẽ tái cử.
"Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình hôm nay khi đi bỏ phiếu. Đó là quyền của tôi", Pui, 43 tuổi, người bỏ phiếu tại một quận lịch sử của thành phố, nơi được các cảnh sát theo dõi sát sao, nói.
Nữ Thủ tướng Yingluck đi bầu cử từ rất sớm, bỏ phiếu trước ống kính truyền thông.
Video: Người Thái đi bỏ phiếu
Nhà chức trách cho biết đã huy động 130.000 cảnh sát trên khắp đất nước để đảm bảo an ninh cho bầu cử, nhưng với hàng chục nghìn điểm bỏ phiếu, nhiều nơi có thể sẽ chỉ có sự hiện diện mỏng manh của lực lượng an ninh.
Ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ, tấn công bằng lựu đạn và nổ súng kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra từ tháng 11 năm ngoái, với thương vong cho cả hai bên.
Các quan chức bầu cử cảnh báo kết quả sẽ không thể công bố trong thời gian dài. Phe đối lập dự kiến sẽ yêu cầu tòa án hủy bỏ kết quả dựa trên các điều khoản trong luật.
53 bên đã tham gia, hy vọng lấp đầy chỗ trống của đảng Dân chủ vốn tẩy chay bầu cử, mặc dù có rất ít cuộc vận động diễn ra ở thủ đô ngoại trừ một số áp phích bị tẩy xóa.
Tuần trước, vòng bầu cử sớm cũng bị người biểu tình ngăn cản khiến hàng nghìn người không thể bỏ phiếu. Chính phủ buộc phải huy động lực lượng chống lại người biểu tình và ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô và vùng lân cận từ tháng trước.
Vũ Hà (Video: Reuters)