
Dòng người đổ ra đường phố Bangkok tham gia cuộc biểu tình với mục tiêu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP
Kamronwit Thoopkrajan, chỉ huy Cục Cảnh sát Đô thành Bangkok, đã xác nhận với AFP việc những người biểu tình cắt điện và nước ở nhiều khu vực thuộc Tòa nhà Chính phủ. Còn Anucha Romyanan, người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia, cho biết những người biểu tình đã phá dỡ hàng rào dây thép gai được vây xung quanh các địa điểm có người làm việc, để thực hiện cắt điện.
Theo AFP, hành động trên được những người biểu tình thực hiện nhằm buộc các cơ quan thuộc lực lượng an ninh từ bỏ những cơ sở đang bị bao vây. Cảnh sát cho biết, vào thời điểm diễn ra biểu tình không có quan chức nào, kể cả Thủ tướng Yingluck, ở trong Tòa nhà Chính phủ. Kể từ khi tình trạng bất ổn bùng phát mạnh mẽ từ tuần trước, các địa điểm làm việc của bà thường không cố định ở một chỗ, đồng thời các địa điểm này không được tiết lộ công khai.
Các cuộc biểu tình kéo dài với sự tham gia của hàng nghìn người đã kéo dài trong suốt hơn một tháng qua. Các cuộc biểu tình nhằm mục tiêu cao nhất là lật đổ chính phủ của bà Yingluck và thành lập nội các mới.
Thủ tướng Yingluck hôm 9/12 kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2/2 năm sau, nhằm làm dịu đi tình trạng bất ổn chính trị. Tuy nhiên những người biểu tình yêu cầu chính phủ đứng ngoài việc này, và ủng hộ việc lựa chọn thành viên của nội các không thông qua bầu cử.
Tình hình căng thẳng tại Bangkok được nâng lên mức báo động, sau khi các cuộc đụng độ liên tục diễn ra, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su để trấn áp những người biểu tình ném đá bên ngoài Tòa nhà Chính phủ.
Thái Lan từng chứng kiến nhiều cuộc bạo loạn chính trị trong nhiều năm qua, kể từ khi anh trai của bà Yingluck là ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006.
Thùy Linh