Đám đông người biểu tình tối 14/7 tụ tập gần phủ tổng thống để ăn mừng, gọi việc ông Rajapaksa từ chức là "chiến thắng cho dân chủ". Hàng chục người nhảy múa, hò reo và vẫy cờ Sri Lanka, trong khi hai người đàn ông ca hát trên một sân khấu nhỏ.
Không khí giống như lễ hội, với mọi người hò hét và lắc lư theo nhạc, trong khi những người khác hét vào micro rằng họ muốn đất nước được điều hành tốt hơn.
"Trên quy mô toàn cầu, chúng tôi đã dẫn đầu phong trào lật đổ tổng thống bằng vũ lực và bạo lực tối thiểu. Đó là sự kết hợp giữa chiến thắng và sự nhẹ nhõm", Viraga Perera, một kỹ sư tham gia biểu tình từ tháng 4, cho hay.
Tổng thống Sri Lanka gửi email từ chức tới Chủ tịch Quốc hội hôm 14/7, vài giờ sau khi ông đến Singapore. Indunil Yapa, phát ngôn viên của Chủ tịch Quốc hội, cho biết email từ chức đang được chuyển tới tổng chưởng lý để kiểm tra tính xác thực và hợp pháp trước khi được chính thức chấp nhận.
Nếu email được chấp nhận, ông Rajapaksa sẽ là tổng thống đầu tiên từ chức kể từ khi Sri Lanka thông qua thể chế chính phủ tổng thống vào năm 1978.
Người biểu tình cáo buộc Tổng thống Rajapaksa và gia tộc chính trị quyền lực của ông bòn rút tiền từ kho bạc chính phủ suốt nhiều năm và chính quyền của ông đã đẩy nhanh sự sụp đổ của đất nước bằng các chính sách kinh tế sai lầm. Đất nước thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc bị hạn chế. Lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến lên 70% trong những tháng tới.
Gia đình Tổng thống phủ nhận cáo buộc tham nhũng, nhưng ông Rajapaksa thừa nhận một số chính sách của ông đã góp phần vào cuộc khủng hoảng.
Biểu tình lên đỉnh điểm vào cuối tuần trước khi hàng nghìn người xông vào nhà và phủ tổng thống, cũng như văn phòng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, yêu cầu các lãnh đạo từ chức.
Hình ảnh người biểu tình bên trong các tòa nhà, nằm dài trên những chiếc ghế sofa và giường, tạo dáng bên bàn làm việc của các quan chức và tham quan những khung cảnh sang trọng, đã thu hút sự chú ý của thế giới.
Ban đầu, người biểu tình tuyên bố sẽ chiếm giữ các toà nhà chính quyền cho đến khi có chính phủ mới, nhưng thay đổi quyết định hôm 14/7, dường như lo ngại rằng bất kỳ sự leo thang bạo lực nào có thể làm suy yếu thông điệp của họ, sau cuộc đụng độ bên ngoài nghị viện khiến hàng chục người bị thương.
"Điều đáng lo ngại là có thể có vết nứt trong lòng tin mà họ đã dành cho cuộc đấu tranh", Nuzly, một lãnh đạo biểu tình, nói. "Chúng tôi đã cho thấy sức mạnh của mọi người có thể làm được, nhưng không có nghĩa chúng tôi phải chiếm những nơi này".
Devinda Kodagode, một lãnh đạo biểu tình khác, nói rằng họ rời khỏi các tòa nhà sau khi người phát ngôn của quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết ông đang tìm hiểu các lựa chọn pháp lý cho đất nước sau khi Tổng thống Rajapaksa từ chức.
Visaka Jayaweer, một nghệ sĩ biểu diễn, đã mô tả khoảnh khắc buồn vui lẫn lộn rời phủ tổng thống.
"Tiếp quản dinh thự của ông ấy là khoảnh khắc tuyệt vời. Nó cho thấy chúng tôi muốn ông ấy từ chức đến mức nào. Nhưng cũng là sự nhẹ nhõm khi rời đi", cô nói. "Chúng tôi lo lắng nếu tiếp tục hành động, nhiều người tức giận khi chứng kiến cuộc sống xa hoa của ông ấy, trong khi họ phải chật vật mua sữa cho con".
Đất nước vẫn trong tình trạng căng thẳng và quân đội cảnh báo họ có quyền ứng phó trong trường hợp hỗn loạn. Binh sĩ mặc quân phục màu xanh lá và áo gilê rằn ri đã đến bằng xe bọc thép để gia cố các rào chắn xung quanh toà nhà quốc hội, trong khi người biểu tình cam kết sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tuần hành bên ngoài phủ tổng thống cho đến khi có chính phủ mới.
Chính phủ đã ban bố lệnh giới nghiêm khác ở thủ đô Colombo và các vùng ngoại ô cho đến đầu ngày hôm nay. Một số người đã bỏ qua lệnh giới nghiêm trước đó, nhưng nhiều người khác hiếm khi rời khỏi nhà vì thiếu nhiên liệu.
Huyền Lê (Theo Washington Post, DW, AP)